Thứ Ba, 16/04/2024 19:10:24 GMT+7

Tin đăng lúc 27-08-2020

Lượt xem: 1380

Thừa Thiên Huế: Vốn khuyến công tạo động lực phát triển làng nghề truyền thống

Sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn kinh phí khuyến công đang ngày càng phát huy tác dụng tích cực, trở thành động lực để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thừa Thiên Huế phát triển.
Thừa Thiên Huế: Vốn khuyến công tạo động lực phát triển làng nghề truyền thống
Các cơ sở rèn tại thị xã Hương Thủy đầu tư thiết bị hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm

Nguồn “vốn mồi” khuyến công đang tạo ra những thay đổi tích cực trong bức tranh làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế. Đơn cử như trường hợp làng nghề tăm hương Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy).Làng nghề có khoảng 30 hộ thành viên, trước đây chủ yếu làm thủ công.Thu nhập trung bình mỗi hộ khá thấp, chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Nguồn kinh phí khuyến công của thị xã đã giúp nhiều cơ sở có thêm vốn đầu tư trang thiết bị máy móc. Sản lượng tăng, thu nhập bình quân cũng cao hơn trước 3 – 4 lần.

 

Anh Ngô Đình Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất tăm hương ở Vĩ Dạ cho biết, trước kia hai vợ chồng vất vả làm thâu đêm nhưng chỉ được khoảng hơn 4 triệu đồng/ tháng. Từ khi có vốn đầu tư máy móc, thiết bị, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể, trừ đi chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh Tuấn lãi được khoảng 20 triệu đồng.

 

Hay như làng nghề rèn truyền thống ở cầu Vực (phường Thuỷ Châu, thị xã Hương Thuỷ) có 20 hộ. Từ năm 2008, làng nghề nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Sở Công Thương và UBND thị xã Hương Thuỷ. Nhiều cơ sở rèn đã có vốn đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống người dân. Trong đó có những hộ như gia đình anh Huỳnh Thế Tiến (chủ cơ sở rèn Trường Tiến) đã có thu nhập lên tới 200 triệu đồng/năm.

 

Trong những năm gần đây, nguồn vốn hỗ trợ khuyến công đã giúp nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tại Thừa Thiên Huế mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường. Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết: “Hàng năm, ngân sách thị xã dành từ 200 - 250 triệu đồng để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm”. Ngoài ra, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cũng đã hỗ trợ mở nhiều lớp đào tạo truyền nghề gắn với việc làm cho người lao động, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, thu hút phát triển thêm nhiều dự án đầu tư mới vào sản xuất trên địa bàn.

 

Cuối tháng 7/2020, UBND thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tổ chức Hội chợ thương mại và triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề năm 2020.Các mặt hàng trưng bày tại Hội chợ bao gồm hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nông sản, đặc sản, các mặt hàng tiêu dùng, may mặc, hóa mỹ phẩm, gia dụng, công nghiệp và những sản phẩm sản xuất tại địa phương.

 

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hội chợ là cầu nối để các mặt hàng công nghiệp nông thôn và các ngành nghề truyền thống khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo tiền đề cho các hoạt động thương mại với quy mô lớn hơn.

 

Có thể nói, các làng nghề và nghề truyền thống ở thị xã Hương Thủy đang từng bước được phục hồi với những sản phẩm làng nghề được nhiều địa phương biết đến như tinh dầu tràm Kim Vui và đàn Tân Châu.

 

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho hay: “Sắp tới, thị xã sẽ huy động các làng nghề và nghề truyền thống, các sản phẩm kinh doanh ở nông thôn tiếp tục cải tiến mẫu mã, chất lượng theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cũng như có sự hỗ trợ kinh phí nhất định trong quá trình này”.

 

Thị xã Hương Thủy hiện có 3 đơn vị được công nhận làng nghề và nghề truyền thống gồm: làng nghề tăm hương Vĩ Dạ, làng nghề chổi đót Thanh Lam và nghề rèn truyền thống cầu Vực với giá trị sản xuất ước đạt từ 18 - 20 tỷ đồng/năm.

 

 

 

 

 

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang