Thứ Ba, 16/04/2024 19:24:53 GMT+7

Tin đăng lúc 10-04-2016

Lượt xem: 3984

Thuận Thành lấy công nghiệp là đột phá, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Thuận Thành là một trong những vùng đất cổ của người Việt, quê hương của những huyền thoại – lịch sử, cái nôi của văn minh lúa nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất và con người Luy Lâu, Siêu Loại, Thuận Thành đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa kì diệu, giàu tính nhân văn và đậm đà sắc thái riêng có của người Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Thuận Thành lấy công nghiệp là đột phá, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Chủ tịch UBND Huyện Nguyễn Tiến Hoàng tại Lễ trao tặng và tiếp nhận

Nằm ở phía nam tỉnh Bắc Ninh ven dòng sông Đuống (sông Thiên Đức xưa), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên năng động phát triển; có nhiều tuyến đường giao thông bộ huyết mạch chạy qua như quốc lộ 38, đường vành đai 4, quốc lộ 18C và tỉnh lộ 283, cùng mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn khá phát triển; với tuyến đường giao thông thủy chạy dọc chiều dài huyện là sông Đuống, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thuận Thành giao thương với các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trong vùng, cũng như cả nước.

 

Từ xa xưa, vùng đất này đã mang trong lòng những địa danh lịch sử như: thành Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Kinh Dương Vương (vị vua thủy tổ của nước Việt). Điều này càng khẳng định nơi đây có một nền văn hóa phát triển đặc trưng nhất của vùng đất Việt cổ xưa. Nổi bật hơn cả, Thuận Thành còn là miền quê có một nền văn hóa nghệ thuật dân gian lâu đời. Bên cạnh làng tranh Đông Hồ, làng ca trù Thanh Tương, làng rối nước Ngũ Thái... ngay cạnh dòng sông Thiên Đức hiền hòa, uốn lượn, liền kề sát với “cầu chín nhịp”, “tháp chín tầng”, “ngôi chùa trăm gian” (tức chùa Dâu), còn có các làng nghề truyền thống được hình thành từ bao đời như: gốm Luy Lâu, tranh Đông Hồ, dệt Hoài Thượng, nem Bùi – Ninh Xá, đậu Trí Quả, hàng mã Song Hồ, sơn son thếp vàng Hoài Thương, vật liệu xây dựng Mão Điền, Xuân Lâm, An Bình, Hoài Thượng... đã góp phần thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu của huyện, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.

 

Tiềm năng phong phú, đa dạng về tài nguyên, kết hợp với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, và bản sắc của con người xứ Kinh Bắc, vốn trọng nghĩa tình, thông minh, năng động, cầu thị và hiếu khách, đã tạo cho Thuận Thành phát triển một nền kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch và nông nghiệp.

 

Những năm qua, do có nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh nên các doanh nghiệp trên địa bàn huyện vẫn có bước phát triển khá, góp phần tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2015 đạt 3.731,299 tỉ đồng.

 

Huyện Thuận Thành đã hoàn thành việc quy hoạch 3 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, 2 khu công nghiệp tập trung. Các cụm công nghiệp vừa và nhỏ của huyện có nhiều doanh nghiệp đã thuê đất, đầu tư làm cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời tích cực giải phòng mặt bằng các khu công nghiệp, để cùng với các nhà đầu tư hạ tầng xúc tiến đầu tư. Các ngành nghề truyền thống như tranh Đông Hồ, gốm Luy Lâu, dệt may Hoài Thượng… được hỗ trợ bảo tồn và tạo điều kiện khuyến khích phát triển. Trên địa bàn huyện các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào phát triển các ngành sản xuất điện tử, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, dày da, phân phối điện, nước và các chất đốt khác.... Quy mô và năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp được mở rộng và nâng cao, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh, từng bước vươn ra thị trường trong và ngoài nước như Công ty Ngũ Minh Hưng, Nghiệp Quảng, Kim Lân,  Nhật Linh Lioa, Đông Việt…

 

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là một hướng đi đúng đắn của huyện. Ngày nay số hộ gia đình tham gia vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngày càng nhiều và quy mô lớn, đặc biệt nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH đã được thành lập ngay trong làng nghề. KCN làng nghề phát triển theo chính sách khuyến khích, cởi mở của nhà nước và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Các làng nghề phát triển đã thu hút nhiều lao động ở các vùng xunh quanh, thậm chí ở ngoài huyện và tỉnh khác đến làm việc. Không những thế, nghề thủ công đã lan tỏa từ làng xã này đến làng xã khác, dần hình thành các làng nghề mới trên khắp các vùng miền. Vì vậy, phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã đóng góp cho nền kinh tế của địa phương một sắc diện mới, ngày càng phong phú, đa dạng, tạo được nhiều việc làm, đặc biệt là lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, đồng thời tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH – HĐH.

 

Để đạt được những mục tiêu kinh tế đó, các cấp ủy đảng và chính quyền Thuận Thành đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp đột phá chiến lược như: Tổ chức lại không gian đô thị để phát huy hiệu quả cầu vượt sông Đuống, đường vành đai 4 nối với hệ thống quốc lộ hiện nay trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng Thuận Thành trở thành thị xã trước năm 2025. Nâng cao tính năng động và tiên phong, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư công nghiệp theo hướng có chọn lọc, thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có sức lan tỏa thu hút công nghiệp phụ trợ  phát triển... Mở rộng, hợp lý hoá cơ cấu huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ gắn với công nghiệp, chuỗi các khu công nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá về năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở. Thực hiện việc “thi tuyển lãnh đạo phòng, ban cấp huyện”.

 

Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp đột phá chiến lược trên, điều quan trọng nhất là năng lực lãnh đạo, hiệu quả điều hành của các cấp ủy Đảng, vì vậy Thuận Thành đã xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là nhân tố quyết định thành công các mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế đô thị, lấy công nghiệp là đột phá, dịch vụ là trọng tâm, nông nghiệp là nền tảng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và đô thị. Phát triển văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội. Những mục tiêu tổng quát đó, sẽ tô thêm những gam màu đặc sắc cho bức tranh kinh tế toàn cảnh của huyện có sức lan tỏa, lôi cuốn, hấp dẫn các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp. Bởi chính sách thông thoáng, lòng người cầu thị, cơ chế minh bạch sẽ là động lực cho Thuận Thành cất cánh trong những năm tới. Biến tiềm năng, thế mạnh của miền quê trù phú, thanh bình, giàu truyền thống văn hóa lịch sử trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kì CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Minh Phương 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang