Thứ Sáu, 29/03/2024 04:18:23 GMT+7

Tin đăng lúc 01-03-2019

Lượt xem: 3471

"Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam"

Đó là chủ đề và nội dung chính của cuộc Hội thảo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức vào ngày 27/02/2019, tại Hà Nội.
"Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam"
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); lãnh đạo Ngân hàng thế giới (WB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Vina Capital; Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK); Công ty Amplus Solar (Ấn Độ); Công ty S-Energy (Hàn Quốc); các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế năng lượng cùng đại diện lãnh đạo EVN và các đơn vị thành viên.

 

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành Điện hiện nay.

 

Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11); Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 16). Để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, ngày 08/01/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11. Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.

 

 

Một đơn vị giới thiệu quy trình, kỹ thuật, vật tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hội thảo

 

Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng. Qua đó, sự kiện góp phần trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của nhà nước tới các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình. Tại Hội thảo, có 15 tham luận và 2 thảo luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề chính như:

 

- Cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam;

 

- Quy trình, thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái của EVN;

 

- Tiêu chuẩn kỹ thuật, thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng điện mặt trời áp mái nối lưới;

 

- Chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình kinh doanh tại Việt Nam;

 

- Tình hình triển khai và các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam;

 

- Tiềm năng và các mô hình kinh doanh, phát triển điện mặt trời áp mái thế giới và áp dụng tại Việt Nam…

 

Thông qua Hội thảo, EVN cũng đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Đó là: (1) Kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. (2) Kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30/6/2019. (3) Kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái...

 

Số liệu tham khảo: Thực hiện chỉ đạo của EVN về việc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…), các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát trên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh.

 

Phương Mai


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang