Thứ Ba, 23/04/2024 22:40:29 GMT+7

Tin đăng lúc 07-12-2018

Lượt xem: 52620

Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt – cần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân

Đẩy mạnh tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam (VN), phương thức này cũng đang được Nhà nước khuyến khích. Mục tiêu của Chính phủ là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10% và đến cuối năm 2025, tỷ trọng này dưới 8%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiền mặt vẫn đang là phương thức thanh toán phổ biến của nhiều người dân VN.
Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt – cần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân
Việt Nam có 72% dân số sử dụng smartphone, rất tiện lợi cho việc thanh toán phi tiền mặt

Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

 

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đối với người tiêu dùng, phương thức thanh toán này nhanh chóng, an toàn, giúp tránh được các rủi ro khi sử dụng tiền mặt như mất cắp; rách, mất góc... 

 

Còn đối với tổng thể kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách, nhất là việc chuyên chở và bảo quản tiền mặt. 

 

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt còn tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính, hạn chế tình trạng gian lận thương  mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền… gây tổn hại cho nền kinh tế.

 

Thực trạng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN

 

Ở nước ta hiện nay, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi; séc; thanh toán qua thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến (internet banking); thanh toán qua ví điện tử. 

 

Với sự khuyến khích của Chính phủ về việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, cùng với khung pháp lý khá đầy đủ, thị trường VN đã có nhiều thay đổi tích cực. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, không chỉ các DN với những khoản chi lớn mà các cửa hàng nhỏ cũng dần chuyển sang sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Số người tiêu dùng chuyển hình thức thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán phi tiền mặt cũng ngày càng tăng nhờ sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

 

Cùng với đó, việc đẩy mạnh thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã phần nào giúp tăng tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,87% vào tháng 6/2018. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song tỷ lệ người dân sử dụng phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt vẫn còn thấp.

         

Những rào cản khiến phương thức thanh toán phi tiền mặt chưa thể phát triển mạnh mẽ tại VN

 

Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất tiềm năng trong việc phát triển phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, VN có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9%, trong khi ở Trung Quốc là 26,1%; Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%.

 

Theo Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, rào cản lớn nhất đó chính là thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân. Tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa ở các thành phố lớn cũng có tới 99% người dân sử dụng tiền mặt thanh toán các khoản dưới 100 nghìn và có tới 85% các giao dịch tại ATM chỉ là giao dịch rút tiền.

 

Thúc đấy thanh toán không sử dụng tiền mặt còn gặp trở ngại nữa đó là hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, năng lực sử dụng công nghệ của nhiều người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn hạn chế.

 

Ngoài ra, một điểm yếu của hệ thống tài chính phi tiền mặt khiến người dân chưa thực sự yên tâm khi sử dụng dịch vụ đó, chính là nó dễ dàng bị tin tặc tấn công và đánh sập. Thực tế, ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao để ăn cắp tiền từ các tài khoản cá nhân, nhất là với các cá nhân còn thiếu hiểu biết trong việc tự bảo vệ các thông tin tài khoản và các hiểu biết về giao dịch an toàn. 

 

Cuối cùng, một nguyên nhân quan trọng nữa đó là Nhà nước chưa tạo sức ép cho nên người dân vẫn lựa chọn cách thanh toán theo thói quen.

 

Giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ đề ra?

 

 

Xu hướng không dùng tiền mặt sẽ trở thành văn hóa tiêu dùng tại Việt Nam

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết cần thực hiện thật tốt đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong các chính sách của Nhà nước, cần phải liệt kê thật rõ những nhóm đối tượng để lần lượt áp dụng các lộ trình, nhằm thu hẹp lại nhóm đối tượng dùng thanh toán tiền mặt. Tất cả các khoản chi ngân sách, các khoản thanh toán của DN không được dùng TM, tiến tới tất cả các hoạt động mua bán của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng lớn, thậm chí các cửa hàng ăn uống cũng buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt… từ đó thu hẹp lại việc sử dụng tiền mặt.

 

Bên cạnh các quy định thì cần có những chế tài, đồng thời cũng phải có cơ sở hạ tầng tiện lợi với những giải pháp công nghệ để đảm bảo an toàn, an ninh trong hệ thống hoạt động của phương thức thanh toán điện tử.

 

Cùng với đó, tiếp tục phát triển nâng cao thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, tạo ra sự chuyển biến rõ nét bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ gia tăng tiện ích cho khách hàng, từ đó, mới có thể khuyến khích người dân và DN tham gia sử dung dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa tiêu dùng, chi tiêu không dùng tiền mặt. Nâng cao hiểu biết của người dùng dịch vụ trong việc sử dụng giao dịch một cách an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử.

 

Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng tiền mặt ở nước ta đang ngày càng giảm. Nhưng để tỷ lệ này giảm xuống 10% vào năm 2020 và 8% vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra thì cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, an toàn, cũng tạo sự yên tâm tin tưởng tuyệt đối từ phía người sử dụng./.

 

Quỳnh Anh

.


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang