Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:51:54 GMT+7

Tin đăng lúc 22-05-2018

Lượt xem: 1869

Thực phẩm “bẩn”: Nỗi lo chưa biết đến bao giờ mới hết!

Trước kia, khi nói đến những thực phẩm không an toàn, chúng ta thường nghĩ ngay đến hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng nay, có lẽ quan điểm này đã phần nào thay đổi, bởi thời gian gần đây, ngày càng nhiều vụ việc về thực phẩm bẩn gây rúng động dư luận lại do chính các cá nhân, doanh nghiệp Việt gây ra. Họ đã vì cái lợi trước mắt của bản thân mà đánh đổi sức khỏe, chất lượng giống nòi, thậm chí là tính mạng của chính đồng bào mình.
Thực phẩm “bẩn”: Nỗi lo chưa biết đến bao giờ mới hết!
Người tiêu dùng đang bị thực phẩm bẩn bủa vây

“Người Việt đang tự đầu độc nhau”

 

Lâu nay, mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã trở thành vấn nạn trong xã hội. Việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm,… xảy ra một cách tràn lan, không thể kiểm soát đã làm cho người người tiêu dùng hoang mang trong suốt thời gian dài. Người tiêu dùng chưa kịp hoàn hồn sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, thuốc giả… thì lại tiếp tục đón nhận thông tin “thuốc điều trị ung thư làm từ bột than tre” và “cà phê trộn bột pin” khiến ai cũng lo sợ. Lòng tin của người tiêu dùng đang bị thử thách nghiêm trọng.

 

Ngày 16/4 vừa qua, dư luận thực sự rúng động trước thông tin một cơ sở sản xuất cà phê rang xay ở Tây Nguyên dùng lõi pin để trộn với cà phê thải loại, rồi bán cho người tiêu dùng trong nước. Chỉ 3 tháng đầu năm, cơ sở này đã cung cấp ra thị trường 3 tấn sản phẩm hỗn hợp “cực độc” này. Dư luận choáng váng với cách làm ăn thất đức của cơ sở này khi mà chủ cơ sở giải thích rằng đơn giản là để kiếm tiến. Theo các chuyên gia, những kim loại nặng trong bột pin rất độc, nếu ăn, uống phải sẽ tàn phá nặng nề thần kinh, xương, gan, thận… Nếu sử dụng bột pin để trộn vào cà phê, hồ tiêu rồi đem bán ra thị trường cho người tiêu dùng thì hành động này chẳng khác gì “giết người hàng loạt”? Trước đó, tại Hải Phòng cũng phát hiện hơn 1 tấn sản phẩm được làm từ bột tro than tre, trong đó, có sản phẩm được dán nhãn “hỗ trợ điều trị ung thư” và đã được tung ra tiêu thụ tại một số thị trường như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khiến dư luận phẫn nộ.

 

 

Cà phê trộn bột pin

 

Đây mới chỉ là 2 trường hợp gần đây bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý, nhưng không ai dám chắc không còn những cơ sở làm ăn bất chính như thế này nữa.

 

Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh?

 

Theo GS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái là rất dễ xảy ra, đặc biệt là những mặt hàng được thị trường chấp nhận và ưa chuộng. "Để khắc phục điều đó chỉ có một cách mà các nền kinh tế thị trường khác đã áp dụng là cần phải phát huy vai trò quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng này và khi phát hiện ra tình trạng này thì phải trừng trị một các thích đáng để mang tính chất răn đe. Khâu này của chúng ta có đủ các ban bệ như là đăng ký bản quyền, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng…. nhưng hoạt động thực tế của các cơ quan này chưa đủ tầm, thậm chí khi có sự việc, người ta giải quyết không triệt để, không sát sao. Khi xảy ra chuyện thì lại bắt đầu đùn đẩy cho nhau. Chưa thấy ai chịu trách nhiệm cụ thể trong các vụ vi phạm về ATTP", ông cho biết.

 

 

Thuốc trị ung thư được làm từ bột than tre

 

Mức độ xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đã phần nào lý giải vì sao những hành vi “giết” người từ từ này mặc dù bị xã hội lên án nhưng vẫn ngang nhiên diễn ra với tần suất và mức độ ngày càng ghê gớm. Hình phạt vài chục triệu so với số tiền lời hàng tỷ đồng thì chẳng thấm tháp vào đâu.

 

Bao giờ mới hết nỗi lo mang tên “thực phẩm bẩn”?

 

Theo nhiều chuyên gia, để đẩy lùi vấn nạn thực phẩm “bẩn”, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm, thì cần làm tốt công tác tuyên truyền cho chính những người sản xuất ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, người dân phải kiên quyết tẩy chay thực phẩm “bẩn”.

 

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp hỗ trợ đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, đạt chất lượng thực sự, để họ có thể tiếp tục sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đây chính là giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất thực phẩm sạch hơn, đẩy lùi thực phẩm “bẩn” trong cuộc chiến này.

 

Có thể thấy, chưa bao giờ ATTP lại trở thành vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong xã hội như hiện nay. Tình trạng vi phạm về ATTP ngày càng phức tạp, đe dọa cuộc sống hàng ngày của người dân, gây hậu quả lớn cho xã hội. Nguyên nhân thì đã rõ, vì vậy, Nhà nước cần có những biện pháp, chế tài quản lý sao cho phù hợp và đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn những hành vi bất nhân trên. Bởi nếu không, hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục sống trong thấp thỏm, lo âu, không biết liệu thực phẩm đang dùng hàng ngày có đang âm thầm đầu độc mình hay không?

 

 

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đến năm 2020, số người mắc bệnh ung thư mới mỗi năm ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người và nước ta sẽ trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này chính là thực phẩm “bẩn”. 

 

Đức Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang