Thứ Sáu, 19/04/2024 14:47:21 GMT+7

Tin đăng lúc 11-02-2015

Lượt xem: 4752

Thực phẩm cung ứng dịp Tết nguyên đán: Có sạch và an toàn?

Tại Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm dự báo sẽ tăng 15-20%. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng mặt hàng thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Thực phẩm cung ứng dịp Tết nguyên đán: Có sạch và an toàn?
Cần kiểm soát thực phẩm sạch từ khâu giết mổ

Qua khảo sát tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên các tuyến phố ở Hà Nội như: Láng Hạ, Lê Văn Lương, Hoàng Hoa Thám, Hàng Gà… cho thấy, thời điểm này, các mặt hàng thực phẩm sạch như rau xanh, thịt gà, thịt lợn, hải sản bán rất chạy, tăng gấp đôi so với các ngày thường, dù giá thực phẩm sạch cao gấp 2- 3 lần so với giá thực phẩm thông thường.

 

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tại Hà Nội trung bình mỗi ngày khoảng 500 tấn thịt lợn, 100 tấn thịt trâu bò, 200 tấn thịt gia cầm, 2.000- 3.000 tấn rau… Mặc dù nguồn cung thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng các loại thực phẩm sạch được sản xuất theo các mô hình an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, còn hạn chế. Về rau an toàn, Hà Nội mới chỉ có 5.000 ha, chỉ đáp ứng 35% nhu cầu. Chăn nuôi an toàn cũng mới “lác đác” ở một số huyện Quốc Oai, Sóc Sơn, Phúc Thọ…, sản lượng chưa lớn.

 

Bên cạnh đó, nhiều mối băn khoăn cũng đặt ra đối với các loại thực phẩm thông thường. Ông Nguyễn Đình Đảng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội- cho biết, sản phẩm chăn nuôi sản xuất tại chỗ của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu, còn phải nhập từ các địa phương khác nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại Hà Nội, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc. Toàn thành phố mới chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng có hơn 2.000 điểm giết mổ nhỏ, lẻ, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

 

Đáng chú ý, lợi dụng tâm lý ưa chuộng các thực phẩm sạch của người dân, nhiều tiểu thương đã “hô biến” các loại thực phẩm thông thường gắn thành mác “sạch”. Ngay tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, việc dán tem kiểm định chất lượng còn hạn chế.

Hiện Hà Nội có 6 chợ đầu mối lớn, mỗi ngày có khoảng 400 tấn rau, củ, quả của các tỉnh được tiêu thụ tại đây. Tuy nhiên, rau được tiêu thụ tại chợ đầu mối phần lớn đều chưa được dán tem nhận diện, chưa có thông tin truy xuất nguồn gốc.

 

Trong một hội nghị của ngành nông nghiệp mới đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng - kiến nghị: Thời gian tới, các sở, ngành của thành phố cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; đồng thời, rà soát lại toàn bộ lượng thực phẩm từ các tỉnh cung ứng cho Hà Nội. Nếu phát hiện đơn vị nào làm sai, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

“Hiện nay, Hà Nội hiện có 700 trang trại chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư. Nếu chuẩn hóa được hệ thống các trang trại, quản lý chất lượng thì sẽ kiểm soát được chất lượng thực phẩm cung ứng cho thành phố và bảo đảm các thực phẩm này sạch khi đến tay người tiêu dùng”- ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội - nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với các địa phương, trong đó có Hà Nội, để hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn; đã đưa ra quy trình sản xuất an toàn, hình thành các tổ hợp tác để các hộ dân sản xuất theo quy trình an toàn, giám sát lẫn nhau, khi đạt thì cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực triển khai dán tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc đối với các loại rau an toàn.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang