Thứ Sáu, 19/04/2024 06:23:47 GMT+7

Tin đăng lúc 01-04-2019

Lượt xem: 2883

Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội: “Vẫn khổ quá, nói mãi”

Hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người dân, các nhà sản xuất chân chính và tính minh bạch của thị trường hàng hóa hiện nay.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội: “Vẫn khổ quá, nói mãi”
Thực trạng hàng giả ở Hà Nội vẫn còn nhiều gian nan

Qua khảo sát trên địa bàn Hà Nội của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… vẫn tồn tại và là vấn nạn phức tạp trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái có mặt từ các của hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị, với nhiều chiêu thức tinh vi, nhằm qua mặt các cơ quan quản lý như: Cất giấu khi có mặt các cơ quan chức năng, bán hàng qua mạng... Hầu hết các nhãn hàng, hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái như: Giầy nhãn hiệu Adidas, Dior, Gucci; dây lưng, ví da nhãn hiệu Chanel, Hermes; Túi xách nhãn hiệu Chanel, Louis Vuillon… Vấn nạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi xâm hại cả vào lĩnh vực thực phẩm như: đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...

 

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tiu, TGĐ Công ty CP Xăng dầu Tự Lực cho rằng: “Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại, giá cả. Nó không chỉ được sản xuất trong nước, mà còn được nhập lậu qua nhiều con đường vào nội địa, nên việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho xã hội, làm lũng đoạn thị trường, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng...”.

 

Chia sẻ về việc mua phải hàng nhái, kém chất lượng trong dịp đầu năm 2019 vừa qua, bà Hoàng Anh, cán bộ hưu trí phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội giãi bày, việc người tiêu dùng chúng tôi mua phải hàng hóa kém chất lượng nhưng rất ngại tố cáo tới các cơ quan chức năng. Điều đó trước hết là do thói quen của người dân giao dịch theo kiểu “thuận mua - vừa bán” nên người tiêu dùng hầu như không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh quá trình giao dịch, không có cơ sở để đi kiện. Thứ hai, do phần đông người dân hiểu và nắm luật rất hạn chế, nên có muốn kiện họ cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, thủ tục thế nào, hoặc nếu có đi khiếu nại thì sẽ mất thời gian, chi phí…, nhất là mặt hàng với giá trị không cao. Vậy nếu có mua dính phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng đành bị chịu thiệt hại…

 

Theo các chuyên gia kinh tế, khi còn cơ chế thị trường, còn thiếu đạo đức ước thúc kinh doanh, thì không lúc nào là không còn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất chính. Họ luôn sẵn sàng lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật, của cơ quan chức năng để tìm kiếm tư lợi. Vì lợi ích trước mắt nên họ bất chấp và cố tình sản xuất, tiêu thụ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng với nhiều chiêu thức tinh vi, gây khó khăn rất lớn trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm...

 

Với thực trạng “khổ lắm, nói mãi” ấy, cho nên, đối với người tiêu dùng, hơn lúc nào hết, cần luôn nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, phải có ý thức trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Với các doanh nghiệp chân chính, cần quản lý, giám sát khâu tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng…

 

Trước vấn nạn này, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần ngày một hoàn thiện các quy định về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Các điều quy định trong pháp luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thế áp dụng một cách thống nhất. Đặc biệt, các ngành, cơ quan có liên quan cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ, xử phạt đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm… Bởi cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà là công việc của toàn xã hội.

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang