Thứ Năm, 25/04/2024 04:32:30 GMT+7

Tin đăng lúc 06-05-2015

Lượt xem: 5133

Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng xi-măng, clanh-ke sang Băng-la-đét

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2014, Băng-la-đét nhập khẩu của Việt Nam 8,4 triệu tấn xi-măng, clanhke, tương đương với 322,85 triệu USD, chiếm 39,76% về khối lượng và 35,37% về giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm qua.
Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng xi-măng, clanh-ke sang Băng-la-đét

Tổng quan ngành công nghiệp sản xuất xi-măng tại Băng-la-đét

 

Ngành công nghiệp sản xuất xi-măng đã tồn tại và phát triển từ nhiều thập niên trước tại Băng-la-đét, song chỉ thật sự bùng nổ và phát triển bền vững trong vòng 5 năm trở lại đây do tốc độ đô thị hóa và nhu cầu tăng trưởng về số lượng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại nước này. Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất xi-măng của Băng-la-đét đứng thứ 40 trên thế giới, đóng góp khoảng 9,1% GDP cho quốc gia Nam Á này (năm 2012-2013).

 

Có 2 loại xi-măng chính được sản xuất tại Băng-la-đét là xi-măng poóc-lăng tổng hợp (PCC - với 65-80% clanke) và xi-măng poóc-lăng thường (OPC – với 95% clanke). Do yêu cầu sử dụng clanke để sản xuất PCC thấp hơn so với OPC nên xi-măng PCC được sản xuất rộng rãi hơn tại Băng-la-đét (chiếm khoảng 95% tổng sản lượng xi-măng của nước này).
Hiện nay, Băng-la-đét có khoảng 55 nhà máy sản xuất xi-măng với công suất vào khoảng 25 triệu tấn xi-măng thành phẩm/năm. Trong số đó, có 34 nhà máy, bao gồm cả nhà máy đa quốc gia, sản xuất nhằm mục đích thương mại. Trong số 10 nhà máy sản xuất xi-măng lớn nhất tại Băng-la-đét, chiếm 85% tổng sản lượng xi-măng và chi phối giá thành của mặt hàng xi-măng tại Băng-la-đét, có 6 nhà nội địa.

 

Nhu cầu về xi măng tại Băng-la-đét chủ yếu tập trung vào các dự án của Chính phủ (chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ xi-măng trong nước), xây dựng các dự án bất động sản (35%), xây dựng nhà ở (25%). Nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng từ tháng 1 đến tháng 5, giảm dần từ tháng 6 đến tháng 9 và xuống thấp nhất từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm. Phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành sản xuất xi-măng của nước này phải nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Xuất khẩu xi măng, clanhke sang Băng-la-đét, cơ hội và thách thức

 

Theo Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), Băng-la-đét là thị trường nhập khẩu xi-măng, clanke lớn thứ ba trong khu vực Nam Á, chiếm khoảng 1,1% thị phần nhập khẩu xi-măng của toàn thế giới. Theo dự báo của công ty tài chính IDLC, trong thời gian tới, ngành công nghiệp sản xuất xi-măng của Băng-la-đét sẽ tăng trưởng trong khoảng 5-10%/năm và bùng nổ với tốc độ 15-20% trong thời gian tiếp theo.

 

Tuy mặt hàng xi-măng, clanke của Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường Băng-la-đét từ 5 năm trở lại đây song đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2014 là 30%/năm. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu xi-măng, clanke của Việt Nam đạt xấp xỉ 323 triệu USD, chiếm 35,37% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra nước ngoài. Băng-la-đét cũng là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu xi-măng, clanhke của Việt Nam trong năm 2014.

 

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xi măng, clanhke của Việt Nam sang Băng-la-đét

(Từ năm 2011 – Quý I/2015)

                                                                                                                        Đơn vị: triệu USD

 

Kim ngạch XK xi măng và clanke sang Bangladesh

(triệu USD)

Tăng/Giảm

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK clanke Việt Nam

Năm 2011

115,94

-

-

Năm 2012

204,26

76,2%

-

Năm 2013

260,19

27,4%

33,12%

Năm 2014

322,85

24,1%

35,37%

Quý I/2015

70,1

-33,6%

 (so với cùng kỳ năm 2014)

35,4%

 

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

 

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu xi-măng, clanke của Việt Nam sang Băng-la-đét quý I năm 2015 chỉ đạt 70,1 triệu USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong thời điểm được đánh giá là tập trung nhu cầu tiêu thụ xi-măng cao nhất trong năm tại Băng-la-đét là dấu hiệu đáng lo ngại cho việc xuất khẩu nhóm hàng này. Ngoài ra, sự trở lại thị trường thế giới của các nhà xuất khẩu có tính cạnh tranh cao về xi măng và clanke như In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường thế giới nói chung và thị trường Băng-la-đét nói riêng.

 

Mặc dù vậy, do đặc thù về mùa vụ là nhu cầu tiêu thụ xi-măng, clanke tại Băng-la-đét lên cao ngay sau khi hạ xuống thấp nhất vào cuối năm nên việc xuất khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành sản xuất xi-măng sang Băng-la-đét, đặc biệt là clanke, dự báo sẽ khởi sắc vào cuối năm 2015.

 

Đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, clanhke sang Băng-la-đét

 

Với đân số trên 161 triệu người, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước và nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân tăng cao trong thời gian tới, Băng-la-đét là thị trường tiềm năng cho mặt hàng vật liệu xây dựng nói chung và xi-măng, clanhke nói riêng. Để xuất khẩu xi-măng, clanke đạt hiệu quả hơn sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

 

Quan tâm, chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nhằm tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện năng. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc giảm chi phí, giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu;

 

Mặt hàng xi măng, clanhke là loại hàng hóa đặc thù, khối lượng lớn, không để được lâu, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết… nên trong quá trình vận chuyển thường gây nhiều bụi ô nhiễm, đòi hỏi cần được che chắn và bảo quản tốt. Vì vậy, chi phí vận chuyển, chuyên chở đối với mặt hàng này khá cao, đang chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp cần hợp lý hóa quy trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian, chi phí chuyên chở thông qua việc kết nối và sử dụng dịch vụ của các hãng vận tải lớn trong nước hoặc lưu ý khi sử dụng các hãng vận tải nước ngoài.

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất đi luôn đồng đều, giữ chữ tín với nhà nhập khẩu nhằm tăng cường lượng khách hàng truyền thống cho hàng hóa của mình;

 

Cần lưu ý liên kết giữa nhà sản xuất và xuất khẩu, giữa các nhà xuất khẩu với nhau để có thể cung cấp kịp thời hàng hóa theo yêu cầu về số lượng, cũng như về thời gian; tìm kiếmnhững đối tác ổn định, có uy tín để ký hợp đồng cung cấp dài hạn và hạn chế những rủi ro trong hoạt động xuất khẩu;

 

Liên tục cập nhật, nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới, khu vực, nhu cầu tại thị trường xuất khẩu để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định; có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại Băng-la-đét như tham gia hoặc gửi hàng mẫu tại các hội chợ, triển lãm lớn tại Băng-la-đét, đặc biệt là các hội chợ chuyên ngành về vật liệu xây dựng; tham gia chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức; nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, diễn biến của thị trường, các quy định nhập khẩu tại nước nhập khẩu thông qua các kênh thông tin chính thức như các website: www.vietnamexport.vn hoặc www.vietrade.gov.vn.

 

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang