Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:34:51 GMT+7

Tin đăng lúc 06-07-2018

Lượt xem: 1614

Tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án hóa chất

Từ ngày 3-5/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã thăm và làm việc tại Công ty CP Dap - Vinachem, Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đây là 3 công ty nằm trong số 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án hóa chất
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại một số dự án hóa chất

Dap - Vinachem… “điểm sáng”

 

Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP Dap - Vinachem, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) 6 tháng năm 2018 của công ty có những tín hiệu tích cực: Sản lượng DAP đạt 136.314 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 55,65% so với kế hoạch năm 2018. Sản lượng tiêu thụ đạt 137.196 tấn, tăng 19,12% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 56% kế hoạch năm 2018. Điểm nhấn trong 6 tháng qua là Dap - Vinachem đã có lợi nhuận gần 83 tỷ đồng.

 

Đối với thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng năm 2018 cũng khá thuận lợi, công ty liên tục nhận được các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn. Sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2018 đạt 58.820 tấn, bằng 65,36% so với kế hoạch năm 2018.

 

Bên cạnh đó, giá trị tiết kiệm do giảm định mức tiêu hao thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 là 8,201 tỷ đồng so với định mức thực hiện năm 2017 và bằng 273% so với kế hoạch 2018.

 

 

 Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm việc tại Công ty CP Dap- Vinachem 

 

Báo cáo với Thứ trưởng Đặng Hoàng An về tình hình tài chính của công ty, ông Nguyễn Văn Sinh khẳng định, công ty đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lạch Tray, Hải Phòng với hạn mức 500 tỷ đồng. Dư nợ đến 30/6/2018 là 276 tỷ đồng, về cơ bản công ty cân đối được nguồn vốn lưu động để phục vụ SXKD và trả các khoản nợ đến hạn, không có khó khăn đáng kể nào. Trả nợ vốn đầu tư đến 30/6/2018, dư nợ vốn đầu tư còn 107,8 tỷ đồng, theo kế hoạch khoản vốn đầu tư trên sẽ được quyết toán trong năm 2018 (kể cả gốc và lãi).

 

Ông Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận, với tình hình SXKD 6 tháng đầu năm có lãi và các khoản vốn sẽ quyết toán xong trong năm 2018, DAP - Vinachem kiến nghị với ban chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương xem xét, đưa Công ty CP DAP Vinachem ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

 

 

 Thứ trưởng và đoàn công tác thăm phòng điều khiển của Công ty CP Dap - Vinachem

 

Đạm Ninh Binh, Hà Bắc nỗ lực vượt khó

 

Báo cáo của Công ty Đạm Ninh Bình cho thấy, tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của công ty trong các tháng đầu năm 2018 tương đối tốt. Sản lượng NH3 sản xuất đạt 72,4 nghìn tấn, sản lượng urê đạt 124,1 nghìn tấn, đạt 103,4% kế hoạch đợt 1 và bằng 39,5% so với kế hoạch năm 2018. Công tác tiêu thụ sản phẩm 6 tháng năm 2018 diễn ra thuận lợi, sản phẩm bán chạy, không có hàng tồn kho; sản lượng 6 tháng đạt 124.000 tấn urê, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2017, giá bán bình quân đạt gần 6,3 triệu đồng/tấn. Doanh số đạt 800 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2017.

 

 

 Thăm nhà máy đạm Ninh Bình

 

Tuy nhiên, tại thời điểm này khó khăn lớn nhất của công ty là vốn lưu động để duy trì sản xuất và trả các khoản nợ cho ngân hàng, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc Công ty Đạm Ninh Bình cho biết, hiện tại công ty không có khả năng thanh toán công nợ cũ với các nhà cung cấp. Để có nguyên vật liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất, công ty phải thực hiện tạm ứng trước 50% hoặc thanh toán trước 100% tiền hàng như đối với mặt hàng than và phải trả dần công nợ cũ.

 

Mặt khác, công ty không thể thực hiện giải ngân qua ngân hàng để thanh toán cho các nhà cung cấp do các ngân hàng không bổ sung thêm hạn mức cho vay mà chỉ thực hiện theo phương thức vay thu hồi nợ theo tỷ lệ trả nợ 10 cho vay 9. Hiện nay, dư nợ vay tại VCB Ninh Bình là: 391,269 tỷ đồng, trong đó quá hạn là 228,266 tỷ đồng, dư nợ vay tại BIDV Tây Hồ: 777,464 tỷ đồng, trong đó quá hạn là 593,092 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đang khó khăn về nguồn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào doanh thu tiêu thụ.

 

 

 Thứ trưởng thăm dây chuyền sản xuất của Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc

 

Để giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, công ty sẽ tập trung tối đa vào công tác sửa chữa khắc phục sự cố tại xưởng khí hóa ngày 10/5/2018 và bảo dưỡng đại tu năm 2018, đảm bảo đủ điều kiện chạy lại máy. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, khách hàng, đối tác hợp tác chiến lược tìm các giải pháp huy động vốn vay ngắn hạn để đảm bảo có tiền mua nguyên vật liệu chạy máy, củng cố máy thiết bị đảm bảo.

 

Chia sẻ về những khó khăn và nỗ lực của công ty với Thứ trưởng Đặng Hoàng An, lãnh đạo Đạm Ninh Bình bày tỏ, tại thời điểm Đạm Ninh Bình chạy máy đợt 1 năm 2018 đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế (theo kế hoạch năm 2018 nếu không chạy máy sẽ lỗ trên 1.400 tỷ đồng, chạy máy lỗ dưới 800 tỷ đồng). Hơn thế việc chạy lại nhà máy đã tạo ổn định công ăn việc làm cho 900 lao động. “Công ty mong muốn trong thời gian tới rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ và có những giải pháp cũng như cơ chế đặc biệt của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, nhất là Tập đoàn Hóa chất để Đạm Ninh Bình dần tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất”, lãnh đạo công ty bày tỏ.

 

Về phía Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, báo cáo về tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm, ông Bùi Thế Chuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông tin, đối với tình hình tài chính, công ty đã cân đối đủ dòng tiền cho sản xuất liên tục. Sản lượng sản xuất urê 6 tháng năm 2018 đạt 149.117 tấn, bằng 42,6% so với kế hoạch năm và bằng 122,6% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng NH3 thương phẩm 6 tháng năm 2018 đạt 37.304 tấn, bằng 74,6% so với kế hoạch năm và bằng 167% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng tiêu thụ, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, cụ thể: sản lượng urê tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2018 đạt 157.056 tấn, đạt 44,9% kế hoạch năm và tăng 5,8% so với 6 tháng đầu năm 2017; sản lượng NH3 tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2018 đạt 42.395 tấn, bằng 84,8% kế hoạch năm và tăng 86% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu tiêu thụ 6 tháng năm 2018 đạt 1.497,8 tỷ đồng, bằng 56,5% kế hoạch năm 2018 và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2017.

 

 

 Cán bộ công nhân viên nhà máy vui mừng vì sản phẩm của công ty bán chạy

 

Tuy nhiên, hiệu quả SXKD trong 6 tháng năm 2018, công ty lỗ khoảng 163 tỷ đồng, giảm lỗ 150 tỷ đồng so với số lỗ 6 tháng năm 2017 do các nguyên nhân như: Chi phí tài chính tăng; chi phí khấu hao tài sản cố định tăng; chi phí sửa chữa lớn tăng. Nhưng, vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất của công ty hiện nay là trong tổng số 27 gói thầu của dự án, hiện nay còn 3 gói thầu chưa quyết toán A-B, gồm: Hợp đồng EPC (gói thầu số 8); hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình (gói thầu số 14), giá trị quyết toán phụ thuộc vào giá trị quyết toán A-B của hợp đồng EPC; hợp đồng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (gói thầu số 16) đang thực hiện, sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sẽ quyết toán hợp đồng theo quy định.

 

Về vấn đề này, ngày 27/6/2018 công ty đã có Văn bản số 838/ĐHB-QLDA gửi Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, trong đó đã báo cáo vướng mắc trong quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, đồng thời đề nghị các Bộ hướng dẫn giải quyết các tồn tại để chủ đầu tư thực hiện quyết toán hợp đồng EPC theo hình thức quyết toán A-B từ đó mới có thể thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.

 

“Tuy còn những khó khăn nhưng công ty sẽ phấn đấu 6 tháng cuối năm và cả năm 2018 sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu mà tập đoàn đã giao”, lãnh đạo công ty cho biết.

 

Tập trung các giải pháp cụ thể

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận những nỗ lực của cả 3 công ty trong công tác điều hành, quản lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và những kết quả khả quan trong 6 tháng năm 2018.

 

Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới cả 3 công ty cần tăng cường công tác quản trị, công nghệ, tối ưu hoá, tiết giảm chi phí giảm bớt gánh nặng cho tập đoàn.

 

Liên quan đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất là 0-5%, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi Luật, “nếu được thực hiện sửa đổi, thông qua theo quy trình rút gọn thì sớm nhất phải vào giữa năm 2019 mới có hiệu lực, nên các DN vẫn đứng trước khó khăn và phải nỗ lực vượt qua”, Thứ trưởng lưu ý.

 

Đối với Công ty CP Dap - Vinachem, Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tiếp theo công ty cần làm tốt hơn công tác dự báo thị trường. Với niềm tự hào là công ty có sản phẩm phân bón cao cấp đầu tiên sản xuất trong nước, thành tựu của nền công nghiệp Việt Nam và những kết quả khả quan trong thời gian qua, Thứ trưởng tin tưởng rằng, DAP - Vinachem sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2018 mà tập đoàn giao, sớm được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương.

 

Riêng với Công ty Đạm Ninh Bình, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ rõ, Tập đoàn Hóa chất cũng như Đạm Ninh Bình phải có những giải pháp quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực từ nhân sự đến tài chính để tránh lâm vào tình trạng nghiêm trọng. Về tài chính, cần khẩn trương đàm phán với các ngân hàng cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi nhất và tìm thêm những nguồn vốn khác, đảm bảo nguồn vốn cho duy trì sản xuất. “Xung quanh vấn đề nhân sự, cần phải tìm người có trình độ, quản lý kỹ thuật, điều hành sản xuất, quan trọng nhất phải đánh giá trên dây chuyền phát hiện chỗ nào hay hỏng để thay thế tránh sự cố, rút ngắn thời gian sửa chữa”, Thứ trưởng quyết liệt.

 

Về phía Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Thứ trưởng kỳ vọng, Đạm Hà Bắc vẫn là thương hiệu mạnh trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á, nên công ty cần phát huy hơn nữa thế mạnh này. Sản xuất kinh doanh của công ty có sáng tạo, cần linh hoạt giữa các loại sản phẩm, phát triển thị trường. Thứ trưởng đánh giá cao bộ phận kỹ thuật của công ty đã làm chủ dây chuyền, công nghệ sản xuất ngay từ khi tiếp nhận và chạy thử của dự án. Cần phối hợp nhịp nhàng giữa 2 dây chuyền nhằm tối ưu sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

 

Xung quanh vấn đề tài chính, Thứ trưởng đưa ra yêu cầu, trước mắt công ty phải rà soát lại Thông tư 45/2018/TT-BTC quản lý, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức và tài sản cố định do Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý đã hết khung chưa? Nếu còn khung phải báo cáo tiếp để cùng có giải pháp xử lý. “Quan trọng là phải quyết toán hợp đồng EPC 3 gói thầu. Hội đồng quản trị công ty phải tìm ra những giải pháp tối ưu, chậm nhất cuối năm nay phải hoàn tất”, Thứ trưởng giao nhiệm vụ.

 

 

Đối với 4 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành hóa chất, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng yêu cầu Vinachem và các chủ đầu tư nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Đề án xử lý các tồn tại vướng mắc của một số dự án, DN chậm tiến độ ngành Công Thương theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tại Quyết định số 4269/QĐ-BCĐ DADNCT ngày 14/11/2017 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại vướng mắc của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ ngành công thương; có các biện pháp cân đối hợp lý giữa vật tư, nguồn vốn, tiêu thụ, tận dụng cơ hội của thị trường, phối hợp các biện pháp quản trị hợp lý để đảm bảo mục tiêu duy trì sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang