Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:07:57 GMT+7

Tin đăng lúc 24-06-2020

Lượt xem: 975

Tiếp tục xuất siêu trong nửa đầu tháng 6: Mừng hay lo?

Dù xuất khẩu chịu không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng tính từ đầu năm đến 15/6/2020, Việt Nam vẫn xuất siêu lượng hàng hóa trị giá 3,75 tỷ USD.
Tiếp tục xuất siêu trong nửa đầu tháng 6: Mừng hay lo?
Theo đánh giá từ Bộ Công thương thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2020 (từ ngày 01/6 đến ngày 15/6/2020) đạt 20,57 tỷ USD, tăng 3,3% so với nửa cuối tháng 5/2020.

 

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2020 đạt 10,37 tỷ USD, giảm 5,3% so với 15 ngày cuối tháng 5/2020. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2020, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 110,56 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Kim ngạch nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 6  đạt 10,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với 15 ngày cuối tháng 5/2020. Lũy kế đến 15/6/2020, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 106,81 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2020 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 217,36 tỷ USD, giảm 2,3% (tương ứng giảm 5,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

 

Trong kỳ 1 tháng 6/2020 thì cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có mức thặng dư 170 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6 lên 3,75 tỷ USD.

 

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2020 các doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu đạt gần 12 tỷ USD, tăng 4,8% so với nửa cuối tháng 5/2020. Lũy kế đến 15/6/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 132,08 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI tính đến 15/6/2020 là 12,07 tỷ USD.

 

Ở trên một góc độ nào đó, việc liên tục xuất siêu đây đúng là điều đáng mừng, bởi xuất siêu sẽ tác động tích cực tới tỷ giá, tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, xuất siêu lớn là điều đáng lo. Lý do là vì, do sản xuất đình trệ bởi tác động của dịch bệnh COVID-19, nên các doanh nghiệp nhập khẩu ít hơn các loại nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất - kinh doanh. Đây đúng là một thực tế cần tính tới và cần tiếp tục theo dõi trong những tháng tới.

 

Theo đánh giá từ Bộ Công thương thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

 

Do đó, nhận định từ Bộ này cho thấy trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019 và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là đạt 300 tỷ USD.

 

Trên thực tế, đứng trước những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng nỗ lực đầu tư công nghệ để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu trong khó khăn. Đơn cử, trái ngược với tình cảnh thiếu hụt đơn hàng của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu lớn, từ đầu năm đến nay, mảng xuất khẩu bao bì tự phân hủy của Tập đoàn An Phát Holdings vẫn liên tiếp có thêm đơn hàng mới từ Nhật Bản và châu Âu.

 

Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang hướng sản xuất bằng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực bao bì thực sự hữu ích trong giai đoạn dịch bệnh. Minh chứng là thị phần và doanh thu của mảng bao bì tự hủy vẫn tăng trưởng, có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu giữa lúc khó khăn, đặc biệt lượng đơn hàng mới đến từ khách hàng châu Âu.

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang