Thứ Năm, 28/03/2024 22:39:15 GMT+7

Tin đăng lúc 27-08-2016

Lượt xem: 2535

Tìm cách để Việt Nam không là vùng trũng tiêu thụ hàng hóa

Chiều 26/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tìm cách để Việt Nam không là vùng trũng tiêu thụ hàng hóa
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cung cấp số liệu về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khối ASEAN sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2016 tới nay.

 

Số liệu được cập nhật tới tháng 7/2016 từ phía Tổng cục Thống kê, sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt hàng cơ quan này để đánh giá về hiệu quả của việc Việt Nam gia nhập AEC, phục vụ cho buổi làm việc chiều nay.

 

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước ASEAN là 22,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN là 9,582 tỷ USD, giảm 12,3%, nhập khẩu từ ASEAN sang Việt Nam là 13,215 tỷ USD, giảm 5,1%. Cân đối thương mại hai bên thì Việt Nam nhập 3,633 tỷ USD trong 7 tháng đầu nam nay từ các nước ASEAN còn lại, trong đó nhập siêu lớn nhất là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dư với Lào, Campuchia, Myanmar khoảng vài chục triệu USD.

 

“AEC là thỏa thuận về một thị trường thống nhất và ta có rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Trong lĩnh vực ô tô, Thái Lan đang nổi lên soán ngôi đầu từ Hàn Quốc, Trung Quốc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và đặt câu hỏi đối với các đại biểu tham dự phiên họp về việc liệu rủi ro này có tiếp tục kéo dài hay không.

 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo nêu ý kiến cần phải làm gì để không bị rơi vào vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước ASEAN.

 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết trong khuôn khổ các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam vì phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam.

 

Ông Khánh cũng cho biết khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa rõ ràng, tập quán làn ăn của doanh nghiệp xuất khẩu là bán hàng tại cầu cảng và nhập hàng cũng tại cầu cảng, không quan tâm tới việc cắt giảm thuế ở các thị trường nước ngoài do phó mặc cho thương nhân làm trung gian. Ông Khánh cũng nêu việc kinh doanh dựa theo quan hệ nhiều hơn đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh, làm ăn bài bản đầu tư ra nước ngoài như Vinamilk, TH True Milk, Minh Phú, Vĩnh Hoàng…

 

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cho biết trong tương lai nếu có đàm phán thêm các hiệp định tự do thương mại thì phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đàm phán và nguyên tắc đàm phán là Việt Nam cần được “ứng xử” đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển; lựa chọn các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho ta.

 

Thực tế, một số thị trường mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam đã góp phần cân bằng lại hoặc thu hẹp cán cân thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này.

 

Nguồn Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang