Thứ Sáu, 19/04/2024 16:34:29 GMT+7

Tin đăng lúc 26-04-2023

Lượt xem: 1227

Tìm hướng đi cho công nghiệp hỗ trợ dệt may ở Nghệ An

Dệt may là một trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Dệt May ở địa phương nhìn chung đang yếu và thiếu, các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vậy hướng đi nào cho phát triển CNHT dệt may ở Nghệ An?
Tìm hướng đi cho công nghiệp hỗ trợ dệt may ở Nghệ An
Sản xuất công nghiệp phụ trợ theo dây chuyền khép kín đang là mục tiêu trong quy hoạch công nghiệp dệt may Nghệ An

Sản xuất chủ yếu theo mô hình gia công cho nước ngoài

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 50 nhà máy may đang hoạt động rải khắp các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm dệt may của tỉnh có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đa số các nhà máy hiện nay chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công cho khách hàng nước ngoài. 

 

Với quy mô phát triển hiện nay của dệt may là điều kiện thuận lợi cho ngành CNHT ngành này phát triển. Tuy số lượng nhà máy may nhiều nhưng doanh nghiệp làm vệ tinh mang sứ mệnh hỗ trợ thì lại quá ít. 

 

Hiện, ngành này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, năng suất lao động chưa cao. Nguồn nhân lực ngành may tuy đông nhưng trình độ qua đào tạo còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 18,24%, thiếu kỹ sư và đội ngũ công nhân kỹ thuật. Hiện Nghệ An mới chỉ có 01 nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 01 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, huyện Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may và một số cơ sở dệt thủ công khác.

 

Theo đánh giá, hiện nay công nghiệp dệt, nhuộm rất yếu; các nhà máy chủ yếu là may gia công, giá trị thấp. Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đòi hỏi chi phí cho xử lý môi trường rất cao, nhất là công đoạn nhuộm vải nên sản phẩm làm ra có giá thành cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đầu tư vào dệt nhuộm phải tuân thủ quy định liên quan đến môi trường, đòi hỏi chi phí sản xuất tăng lên rất cao, nên cho đến nay tỉnh chưa có nhà máy nhuộm nào.

 

Chính vì thế, ngành Dệt May vẫn phải nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải. Ngành May đang phải nhập khẩu từ 60-70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành Dệt May mạnh về sợi, may nhưng yếu khâu dệt nhuộm; xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về. Bất cập này khiến ngành dệt may của cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng, đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải.

 

Ngoài sợi, nhuộm, các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong qua trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt may; các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... hiện nay nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nhập khẩu là chính; Các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành Dệt May (ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...); Các sản phẩm hóa chất hỗ trợ chủ yếu cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học); Nguyên phụ liệu hỗ trợ chủ yếu cho ngành May như chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo... cũng đều phụ thuộc vào nước ngoài.

 

Tìm hướng đi cho CNHT dệt may

 

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hàng năm, ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ từ 2-2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đề án đã triển khai đến nay đạt 6,34 tỷ đồng. Nhìn chung, chính sách ưu đãi của Trung ương đối với CNHT còn khó tiếp cận. Nguồn kinh phí ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động phát triển CNHT hàng năm còn thấp, khó thực hiện.

 

Dệt May là nhóm ngành cần thiết phải có CNHT để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư, trong đó một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền với quy mô khá lớn,... Trong khi đó, ngành Dệt May phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu, phụ kiện nên cần thu hút nhiều dự án CNHT để giảm nhập siêu. Giai đoạn tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm CNHT phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước đang có nhu cầu cao. Đối với ngành Dệt, nhu cầu về vải thành phẩm phục vụ ngành May từ nay đến năm 2030 tăng thêm 2.500 triệu mét, trong khi đa số sản phẩm vải cung cấp cho ngành May hiện nay đều nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, là quốc gia không tham gia Hiệp định CPTPP.

 

Vì vậy, để tận dụng cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, hưởng ưu đãi thuế 0% sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đây là thị trường lớn để cung cấp sản phẩm sợi phục vụ cho ngành dệt phát triển. Đối với Nghệ An, tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất sợi từ cenllulose như tre, nứa, mét trên địa bàn tỉnh lớn do có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó đất có rừng chiếm 53,3%; tiềm năng về sản xuất sản phẩm sợi nhân tạo từ các nguyên liệu sau hóa dầu từ Tổ hợp lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

 

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, giai đoạn 2021-2025, định hướng xuất khẩu nhóm hàng dệt may theo hướng tăng dần tỉ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt, may mặc trên cơ sở đầu tư công nghệ dệt nhuộm vải, công nghệ cắt, may mặc; chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn việc mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiến và phát triển thị trường mới. Vì thế, phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển công nghiệp bền vững. Ưu tiên kêu gọi đầu tư một số doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, sản xuất giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao, tập trung các nhóm hàng giày da, ví, túi xách… phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 755 triệu USD. Tập trung tại các thị trường có nhu cầu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Trong đề án phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,  tỉnh cũng sẽ tập trung ưu tiên phát triển CNHT phục vụ các ngành công nghiệp chính phù hợp với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư và đang có nhu cầu thị trường cao. Trong đó, đối với CNHT ngành Dệt May, giai đoạn đến năm 2025 tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển CNHT ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành Dệt đặc biệt là sợi tổng hợp; Phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước. Thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành Dệt May như: Ống nhựa cho ngành Dệt, móc áo cho ngành May, các loại ghim cài, kẹp nhựa...; Nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành May (chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo...). Di dời Nhà máy Sợi Hoàng Thị Loan ra khỏi trung tâm thành phố để thực hiện việc đầu tư mở rộng và đổi mới công nghệ.

 

Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí như: Bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... để thay thế trong qua trình vận hành cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh, nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng hiện tại chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Phát triển các sản phẩm hóa chất hỗ trợ cho ngành Dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học).

 

Hy vọng những chính sách này sẽ góp thêm nguồn động lực cho các doanh nghiệp CNHT ngành Dệt May tại Nghệ An phát triển.

 

 Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang