Thứ Sáu, 19/04/2024 16:18:59 GMT+7

Tin đăng lúc 20-09-2018

Lượt xem: 1653

Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98,1%

Theo thông tin từ buổi họp báo Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục thống kê tổ chức sáng 19/9, giai đoạn 2012- 2017, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng nhanh nhất, chiếm 98,1%, trong khi đó, doanh nghiệp (DN) lớn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%. Nhưng mức thuế và các khoản nộp ngân sách của các DN lớn lại chiếm tới 67,5%, các DN nhỏ chiếm 19,4%, còn lại là các DN vừa và DN siêu nhỏ.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98,1%

DN nhỏ và vừa tăng nhanh về lượng

 

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2017, cả nước có gần 517.900 DN đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Theo đó, số lượng DN đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước là 505.000 DN. Số DN còn lại là mới đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Dù số lượng DN tăng nhưng chỉ có 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số DNNVV chiếm tới 98,1%, trong đó, DN vừa có gần 8,5 nghìn DN, tăng 23,6% so với thời điểm 1/1/2012; DN nhỏ là 114,1 nghìn và DN siêu nhỏ là 385,3 nghìn. Bình quân năm giai đoạn 2012- 2017, số DNVVN tăng 8,8% cao hơn mức tăng bình quân của DN lớn là 5,4%.

 

Trong khi đó, số lượng DN nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm 1/1/2012. Bình quân giai đoạn 2012- 2017 mỗi năm giảm 4% về số DN và 5,1% về số lao động. “Điều này cho thấy, chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN nhà nước đã có tiến triển nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm.”- ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê- nhận xét.

 

DNNN vốn lớn nhưng chủ yếu vốn vay

 

Mặc dù số lượng DN nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số DN, chỉ với 0,5% nhưng nguồn vốn của khu vực DN này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN, cao hơn cả nguồn vốn của khu vực DN FDI (chiếm khoảng 18%).

 

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, nguồn vốn của khu vực DN nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng xét về cơ cấu lại chủ yếu là vốn vay. Vốn chủ sở hữu của DN nhà nước so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm khoảng 23,2%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước là 30,7% và khu vực DN FDI là gần 40%.

 

Dù chiếm nguồn vốn lớn trong nền kinh tế và chủ yếu là vốn vay, hiệu suất sinh lời trên tài sản và doanh thu của khu vực DN nhà nước lại không cao so với quy mô vốn của khu vực này.

 

Theo điều tra, về hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) của DN nói chung trong năm 2016 đạt 2,7%, cao hơn mức 2,5% của năm 2011.

 

Khu vực DN FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình DN khác với 6,9%, cao hơn so với mức 4,8% của năm 2011, tiếp đến là khu vực DN nhà nước đạt 2,6% (thấp hơn mức 3,2% của năm 2011) và thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước, 1,4% (năm 2011 là 1,2%).

 

Xét về hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu) của toàn bộ DN năm 2016 đạt 4%, cao hơn mức 3,2% trong năm 2011.

 

DN FDI và DN nhà nước là hai loại hình doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016 đạt khá cao với 6,7% và 6,6%, trong khi năm 2011 chỉ đạt lần lượt 5,2% và 5,1%.

 

Các DN ngoài nhà nước có tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt thấp nhất với 1,9%, năm 2011 chỉ là 1,5%.

 

DNNN đóng góp ngân sách cao

 

Cũng theo kết quả điều tra, năm 2016, mặc dù số lượng DN nhà nước ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân một DN của khu vực DN nhà nước đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/DN cao hơn rất nhiều so với DN FDI là 18 tỷ đồng/ DN và DN ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/DN.

 

Sở dĩ các DN nhà nước đóng góp vào ngân sách cao, ngoài khoản thuế đóng góp cho sản xuất kinh doanh trên cơ sở doanh thu và lợi nhuận mà còn phải đóng góp thêm cả cổ tức và lợi nhuận sau thuế do sử dụng vốn của nhà nước. Tỷ lệ này chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu ngân sách. Năm 2016, khoản cổ tức và lợi nhuận sau thuế đạt 65 nghìn tỷ đồng”- bà Lê Duyên Hải- Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế)- lý giải thêm.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang