Thứ Ba, 23/04/2024 23:23:13 GMT+7

Tin đăng lúc 03-10-2020

Lượt xem: 1047

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao, CPI chắc chắn đạt mục tiêu

Đảm bảo ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa, ngay cả trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong 3 quý đầu tiên của năm. Bên cạnh đó, mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chắc chắn đạt được mục tiêu đề ra.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao, CPI chắc chắn đạt mục tiêu
Đảm bảo cung cầu và giá cả hàng hóa kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 2 con số

 

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng đến 11,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ.

 

Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Có thể nói, đảm bảo cung cầu hàng hóa và ổn định giá cả là thành công rất lớn của Bộ Công Thương trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, trên thị trường xảy ra hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm ngắn tại một số địa phương có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng. Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương có sự chuẩn bị hàng hóa và triểu khai quyết liệt các giải pháp tăng nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ về nguồn hàng để ổn định tâm lý người dân.

 

Cụ thể, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh, Ngay khi xảy ra đợt dịch đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 04, giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, chỉ đạo các Sở Công Thương, kênh phân phối cân đối cung - cầu mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chống dịch. Bộ Công Thương đã bám sát 5 kịch bản theo 5 cấp độ của dịch, quán triệt nguyên tắc 4 tại chỗ: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ và 3 sẵn sàng: Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Đây là những chỉ đạo giúp chống dịch hiệu quả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân và an toàn thực phẩm.

 

Giai đoạn 2 dịch bệnh, Bộ Công Thương tiếp tục kích hoạt lại các kịch bản chống dịch theo những phương án được giao để bất cứ tình huống nào, hàng hóa cũng lưu thông, điều tiết ổn định. Đến nay, thông qua hệ thống phân phối rộng khắp, hàng hóa đã được cung ứng đầy đủ đến hàng trăm triệu người dân với giá ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

CPI chắc chắn đạt mục tiêu

 

Cùng với mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế khá tốt khi tháng 9/2020 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước. Tính chung, CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

 

Bà Tạ Thị Thu Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê phân tích, nếu như giá thịt lợn là một trong những yếu tố tác động mạnh, làm tăng CPI thì đến nay, sau nỗ lực tái đàn, đàn lợn đã tăng 3,6% so với cùng kỳ. Đàn lợn nái cũng đã phục hồi và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng, khiến áp lực tăng CPI không quá lớn. Tuy nhiên, do giá lợn giống và giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên giá lợn hơi sắp tới sẽ không giảm mạnh, dao động khoảng 70.000 đồng/kg.

 

CPI trong tháng 9 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây. CPI tăng tăng do giá giáo dục, giá điện sinh hoạt, giá gạo tăng. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác giúp kiềm chế CPI trong tháng 9 là giá xăng dầu đã giảm 3 lần liên tục gần đây; giá gia cầm và thực phẩm tươi sống giảm…

 

Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê dự báo, giá dầu có thể tăng do nhu cầu phục hồi. Giá thóc gạo chịu ảnh hưởng trái chiều khi EVFTA có hiệu lực, cộng với nhu cầu thế giới tăng cao sẽ tạo động lực tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, do nguồn cung trong nước khá dồi dào nên giá gạo chỉ tăng nhẹ. Bên cạnh đó, thời tiết thiên tai có thể làm tăng giá nhiều mặt hàng cục bộ ở một số địa phương… Tuy nhiên, do nguồn cung được bổ sung nên giá thịt lợn sẽ không tăng cao và là một trong những yếu tố kiềm chế CPI những tháng cuối năm.

 

“Nhìn chung, CPI năm nay sẽ ở mức 3,3-3,6%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là không tăng quá 4% so với cùng kỳ năm trước” – bà Tạ Thị Thu Việt cho biết.

 

Đồng ý kiến, trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi tăng mạnh những tháng đầu năm, nhờ các giải pháp kiềm chế kịp thời, năm nay, CPI chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng không quá 4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Congthuong


Tag:CPI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang