Thứ Ba, 23/04/2024 23:30:21 GMT+7

Tin đăng lúc 26-11-2020

Lượt xem: 1260

TP.HCM: Làm thế nào phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ?

Chính sách quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại TP.HCM đã có từ nhiều năm nay song những lực cản vẫn khiến quá trình này gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
TP.HCM: Làm thế nào phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ?
Các cụm, khu công nghiệp cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu.

Theo nhiều doanh nghiệp, một trong những trở ngại lớn nhất để tiếp cận gói hỗ trợ phát triển CNHT của TP.HCM chính là quy mô sản xuất chưa đủ lớn. Đơn cử, tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cơ khí được xây dựng bên trong khu dân cư, tận dụng hạ tầng sẵn có, rất khó mở rộng sản xuất và không có quy chuẩn chung. Do đó, bài toán đặt ra là cần điều chuyển những doanh nghiệp CNHT vào các cụm, khu công nghiệp để có được hạ tầng đồng bộ, giải bài toán về đầu tư chiều sâu và chuyên môn hoá. Ngoài ra, các cụm công nghiệp cũng sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư FDI, vốn là một nguồn lực quan trọng để các doanh nghiệp CNHT cất cánh.

 

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, nhận định: “Trong khu công nghiệp, tính tương tác sẽ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Lúc này, vấn đề đầu tư của doanh nghiệp sẽ có chiều sâu hơn, không cần phải đầu tư quá nhiều máy móc, thiết bị cho các công đoạn khác nhau. Khi đó, tính chuyên môn hóa sẽ dễ đạt được hơn”.

 

Theo kế hoạch, TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm CNHT phải đáp ứng 65% nhu cầu nội địa. Dù vậy, đây là mục tiêu khá cao nếu xét đến quy mô, khả năng cung ứng của các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thành phố. Hiện, TP.HCM đã quy hoạch 3 khu vực để ưu tiên tiếp nhận các doanh nghiệp CNHT bao gồm: KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (200ha); KCN Lê Minh Xuân 3 (100 ha); Khu Cơ khí ô tô (60ha). Tuy nhiên, hiệu quả của việc quy hoạch các cụm, khu công nghiệp này chưa cao. Đơn cử như ở KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, theo quy hoạch khu CNHT 1 có diện tích lên tới 80ha, hướng đến thu hút các ngành công nghiệp trọng điểm như: cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su - chất dẻo song hiện tại xung quanh chỉ là những bãi đất trống.

 

Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho rằng việc các cụm CNHT chậm trễ đi vào hoạt động chủ yếu là do các vướng mắc về mặt pháp lý. Ngoài ra, quy mô của các doanh nghiệp CNHT hầu hết là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ nên cũng gây khó khăn cho việc quy hoạch quỹ đất, nhà xưởng, hạ tầng tại các cụm công nghiệp.

 

Các chuyên gia cho biết, phát triển cụm, khu công nghiệp được nhìn nhận là một trong số nhiều giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Theo HEPZA, kế hoạch trong quý III/2020, các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, xúc tiến thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao và ít thâm dụng lao động như cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm...

 

Bên cạnh đó, nhằm giúp đỡ kịp thời các doanh nghiệp, HEPZA cũng giám sát triển khai dự án đầu tư; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư có dấu hiệu vi phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường; cũng như tiếp tục theo dõi tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại các cụm, khu công nghiệp triển khai các giải pháp hỗ trợ đến các doanh nghiệp.

 

Định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM trong thời gian tới, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng đã đề nghị các cụm, khu công nghiệp cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ...

 

Lê Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang