Thứ Sáu, 19/04/2024 13:51:09 GMT+7

Tin đăng lúc 24-06-2017

Lượt xem: 3708

TP. Hồ Chí Minh: Các ngành công nghiệp trọng yếu tăng trưởng ổn định

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay một số ngành công nghiệp trọng yếu và truyền thống của thành phố như chế biến thực phẩm - đồ uống, điện tử, cơ khí, dệt may… đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
TP. Hồ Chí Minh: Các ngành công nghiệp trọng yếu tăng trưởng ổn định
Ngành chế biến thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh đã tăng trưởng gần 5% trong nửa đầu năm 2017

Cụ thể, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống (chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất khoảng 18,5%) tăng 4,9% so cùng kỳ. Các số liệu thống kê của Sở Công Thương cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngành thực phẩm đồ uống có mức tăng đều, ổn định (tháng 1 tăng 1,73%; 3 tháng tăng 3,98%; 6 tháng tăng 4,9%).

 

Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm hiện đang có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ (6 tháng 2016 tăng 7,3%; 6 tháng 2017 tăng 8,5%). Kết quả trên có được là nhờ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp như mở rộng hệ thống điểm bán (riêng hệ thống phân phối thực phẩm hàng bình ổn hiện nay đạt 3.943 điểm, tăng 252 điểm bán so với năm 2016); bình ổn thị trường với giá bán các mặt hàng thực phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%; áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Hồ Chí Minh” trên kênh phân phối hiện đại của doanh nghiệp.

 

Mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng so với ngành sản xuất chế biến thực phẩm, ngành sản xuất đồ uống trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại, cộng dồn 6 tháng năm 2017 chỉ tăng 2%. Nguyên nhân là do sau khoảng thời gian liên tục tăng trưởng sản xuất (hàng tháng) ở mức 2 con số trong năm 2016, chỉ số sản xuất cả năm 2016 tăng 13,25%, cao hơn mức tăng chỉ số chung toàn ngành (tăng 7,33%) và ngành công nghiệp chế biến nói riêng (tăng 7,28%), sản lượng các sản phẩm đồ uống đang dư thừa so với nhu cầu thị trường, thể hiện tình hình tiêu thụ có khó khăn, nhu cầu có phần giảm sút trong khoảng thời gian thời tiết mưa lạnh vừa qua.

 

Đối với ngành điện tử (chiếm tỷ trọng 4,4%) trong 6 tháng đầu năm nay tăng 12,4% (cùng kỳ chỉ tăng 9,7%), đóng góp 0,55 điểm phần trăm trong mức tăng 7,52% toàn ngành công nghiệp. Sản xuất điện tử tăng khá so cùng kỳ nhờ việc doanh nghiệp phát triển mạnh hệ thống phân phối. Mặt khác, kết quả đạt được từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2013 - 2020 cũng góp phần vào sự tăng trưởng của ngành, cụ thể: việc triển khai các hợp đồng sản xuất điện tử sử dụng chíp thương hiệu Việt (bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe container,…) và một số sản phẩm đầu cuối đã được nghiên cứu, sản xuất thành công đưa vào thị trường tiêu thụ như: thiết bị đo điện điện tử, hộp đen gắn trên ô tô và xe gắn máy, hệ thống giám sát container, hộp set-up-box truyền hình số,… 

 

Với ngành cơ khí (chiếm tỷ trọng khoảng 17,2%), trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng 17,5% so cùng kỳ, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, ra mắt sản phẩm mới (Công ty Vĩnh phát Motor, Công ty Daehan Motor).

 

Không tăng mạnh như các ngành khác song trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành dệt may TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng 2,2% so cùng kỳ. Theo Hội Dệt may Thêu đan thành phố, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 tương đối tốt do đơn hàng tương đối nhiều, tuy nhiên chủ yếu là các đơn hàng nhỏ thực hiện trong thời gian ngắn hạn. Hiệp hội này cũng dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ngành dệt may trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có khả quan hơn.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang