Thứ Ba, 16/04/2024 14:08:13 GMT+7

Tin đăng lúc 01-05-2019

Lượt xem: 1791

TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước

Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, hằng năm TP Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước. Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút lượng lớn vốn FDI cho cả nước. Năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế trở thành một truyền thống của người dân TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

 

Có thể ghi nhận rằng, thành phố mang những giá trị sống động về tổng kết thực tiễn và chỉ đạo thực tiễn của Đảng và Nhà nước. Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh mở ra bệ phóng cho những đột phá mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, một tầm nhìn dài hơi cho kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng nhanh và bền vững là vấn đề quan tâm của nhân dân cả nước. Đề án đô thị thông minh - đô thị công nghệ cao và thông minh, dựa trên mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức đang là hành trình đột phá chủ đạo của thành phố. Hướng đi này được đúc rút từ những cách làm mới, mô hình thí điểm trước đó của thành phố như khu chế xuất, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học, khu công nghệ cao...

 

Với hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, khu công nghệ cao có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố. Khu công nghệ cao hiện thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,... Hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần, vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước. Dự kiến đến năm 2020, khu công nghệ cao sẽ đóng góp khoảng 20% GRDP của thành phố. Điểm nhấn của đề án xây dựng thành phố thông minh là xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nền kinh tế tri thức, mà một trong những trọng tâm là phát triển thành công mô hình Khu đô thị sáng tạo tại phía đông của thành phố với tổng diện tích khoảng 22.000 ha thuộc ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nơi đây khá hiện đại, tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể như Khu Công nghệ cao (quận 9), 12 trường đại học, sáu viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Thủ Ðức, kết nối thuận tiện với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Qua đó cho thấy khu đô thị sáng tạo dựa trên hai trụ cột chính là khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Việc hình thành khu đô thị sáng tạo kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả (trung tâm tài chính; trung tâm hội chợ, triển lãm), hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ. Khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thành phố và khu vực. Điều này minh chứng cho khẩu hiệu năm 2018 của thành phố "Đổi mới - Sáng tạo để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại" quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả cao các nội dung của bảy chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra.

 

Tinh thần đột phá của thành phố mang tên Bác được minh chứng bằng những hành động quyết liệt, thi đua sớm hoàn thành những mục tiêu mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như năm 2017 là năm đầu tiên thành phố công bố đề án xây dựng thành phố thông minh, thì năm 2018 với quyết tâm đổi mới - sáng tạo đã mở ra những cơ sở vững chắc trong hành trình xây dựng đô thị thông minh. Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh (HEF 2018) với chủ đề: "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp" HEF 2018 nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu vực phía đông theo xu hướng đô thị sáng tạo. Đáng chú ý, sau thành công của Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN tại TP Hồ Chí Minh tổ chức cuối năm 2018, thành phố đã chấp thuận chủ trương đổi tên gọi thành "Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại quốc tế năm 2018", mở rộng đối tượng tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố và các doanh nghiệp ở các quốc gia đang quan tâm, có nhu cầu mở rộng thị trường tại Việt Nam...

 

Đột phá trong cải cách hành chính

 

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, sinh khí đô thị thông minh được lan tỏa mạnh mẽ trong và ngoài nước qua việc TP Hồ Chí Minh tổ chức hàng loạt sự kiện hữu ích mang tầm thời đại. Thành phố là nơi đầu tiên sớm tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo" hướng tới đề án xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025, góp phần thực hiện thành công Đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và Đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo. Cuối quý I năm 2019, liên tục các đoàn giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm do lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố trực tiếp đi kiểm tra, lắng nghe nguyện vọng và trực tiếp tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án. Mở đầu là việc thị sát Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (nguồn vốn gần 10 nghìn tỷ đồng) đầu tư xây dựng bằng hình thức BT. Sau đó một ngày, đồng chí Bí thư Thành ủy thị sát tuyến Đường sắt đô thị (Metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên và làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh chung quanh công tác xây dựng và quy hoạch tám tuyến Metro trên địa bàn thành phố.

 

Ngày cuối cùng của quý I năm 2019, chủ trì Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nét mới của kỳ họp này là đã dự báo được triển vọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ, thể hiện trách nhiệm của Đảng bộ thành phố với nhân dân, nhờ đó thực hiện các nhiệm vụ của quý II với quyết tâm cao hơn. Phát biểu đầy trách nhiệm này thể hiện tinh thần "Nói đi đôi với làm" về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, có như vậy thành phố mới có thể hoàn thành chủ đề "Năm 2019 là năm đột phá thực hiện cải cách hành chính". Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8-4-2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc tìm kiếm những giải pháp và thay đổi cách tiếp cận để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào thành phố. Tiến hành xác định từ 10 đến 15 nhà đầu tư lớn nước ngoài để mời gọi đầu tư vào các ngành chế tạo, dịch vụ trọng yếu. Thành phố chủ động cử các đoàn lãnh đạo đến một số quốc gia để gặp gỡ, mời gọi đầu tư; đưa ra những điều kiện cụ thể về quỹ đất, giá thuê đất, nguồn lực lao động... để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án sản xuất và dịch vụ có quy mô lớn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua tiếp tục tổ chức các hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ và công ty lớn của các quốc gia như Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Mỹ,... để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về lợi ích của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

 

Được biết, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để tìm kiếm các giải pháp mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030 như: tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lần thứ 2 vào tháng 5-2019 để xây dựng chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo của thành phố. Với hành trình xây dựng đô thị thông minh, với điểm nhấn là khu đô thị sáng tạo, lãnh đạo thành phố đặt niềm tin trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia.

 

Những ngày tháng Tư hào hùng, kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, thành phố phấn đấu triển khai và đưa vào vận hành, khai thác (giai đoạn 1) các trung tâm thành phần thuộc đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2025" (Trung tâm điều hành, Trung tâm dữ liệu dùng chung, Trung tâm dự báo và đơn vị bảo đảm an toàn an ninh thông tin); triển khai Đề án xây dựng "Khu đô thị sáng tạo" tại phía đông thành phố, đến năm 2020 và những năm tiếp theo quyết tâm hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trọng điểm để liên kết các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo. Hết sức hợp lý với đề xuất xây dựng cơ chế liên kết giữa khu đô thị sáng tạo với các trung tâm sáng tạo khác của TP Hồ Chí Minh (như Công viên phần mềm Quang Trung...) và các trung tâm sáng tạo ở địa phương khác (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao Cần Thơ...).

 

Hành trình xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh cũng chính là xây dựng thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Liên tục đề ra và thực hiện bằng được những chương trình đột phá nhằm tạo sự chuyển biến thật sự về phát triển kinh tế - xã hội luôn là nét đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.

 

Qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, khu công nghệ cao của thành phố hiện có 148 dự án còn hiệu lực, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư bốn lĩnh vực: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông (33,78%); Cơ khí chính xác - Tự động hóa (18,91%); Công nghệ sinh học (12,16%); Vật liệu mới - Năng lượng mới (4,05%); còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo. Đáng chú ý, khu công nghệ cao đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các thành tố quan trọng như các doanh nghiệp công nghệ cao, viện nghiên cứu, trường đại học...

 

Nguồn Nhân Dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang