Thứ Sáu, 29/03/2024 12:18:23 GMT+7

Tin đăng lúc 12-09-2020

Lượt xem: 888

TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện khá kịp thời. Để giúp DN khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, các cơ quan chức năng của thành phố cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa.
TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Một dây chuyền may của Công ty cổ phần May Nhà Bè

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều DN đang thực hiện các nỗ lực vượt khó thì tiếp tục gặp thêm khó khăn, thị trường bị thu hẹp do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch HUBA Phạm Ngọc Hưng cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây đó, lợi thế của DN chính là đã có kinh nghiệm ban đầu để đối phó với dịch bệnh khi chủ động cân đối các khoản chi phí để duy trì dòng tiền cho nguyên liệu, lao động, tiêu thụ sản phẩm. Một cuộc khảo sát nhanh về “tình hình sức khỏe” với hơn 100 DN có quy mô dưới 100 lao động trên địa bàn thành phố ở nhiều lĩnh vực khác nhau của HUBA mới đây cho thấy, số DN chuyển sang trạng thái bình thường mới là 5%; bắt đầu vượt qua khó khăn là 9%; 86% số DN còn lại đang trong tình trạng khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bị thu hẹp, phải cắt giảm lao động, thiếu vốn,...

 

Phó Giám đốc khách sạn năm sao Grand SaiGon Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19 vừa qua đã tác động rất lớn đến hoạt động của đơn vị. Doanh thu giảm từ 80 đến 90% do lượng khách lưu trú chủ yếu của khách sạn là du khách quốc tế. Trong khó khăn chung, đơn vị tập trung cho công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất khi trở lại hoạt động bình thường. Anh Mai Văn Đạt, đại diện một DN logistics tại quận Bình Thạnh cho hay, công ty của anh chuyên làm thủ tục xuất, nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài, do đường hàng không bị ngưng trệ đã khiến doanh thu của công ty có lúc giảm đến 90%. Để giữ mối quan hệ lâu dài, công ty phải “gồng mình” để bảo đảm các đơn hàng đã ký với các đối tác...

 

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các DN hồi phục, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo HUBA, một trong các chính sách tiếp cận sớm và phủ đều đến các DN là việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cho vay tiền để trả lương cho người lao động;... Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được một số chính sách hỗ trợ khác, hoặc tiếp cận một cách hạn chế. Kết quả khảo sát hơn 100 DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy, chỉ có khoảng 10% số DN tiếp cận được chính sách cơ cấu lại nợ của ngân hàng; 5% số DN tiếp cận chính sách tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất; nhiều DN trong quá trình tiếp cận các chính sách gặp khó khăn trong thủ tục, mất nhiều thời gian để đi lại;...

 

Tiến sĩ G.Vôn (John Walsh), Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT (quận 7) cho rằng, chính quyền thành phố có ảnh hưởng lớn nhất đối với các ngành nghề phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ trong nước và ít khả năng bị ảnh hưởng bởi suy thoái quốc tế. Trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng dịch, thành phố có thể thúc đẩy những chương trình khuyến mãi để hỗ trợ các lĩnh vực bán lẻ và giải trí, trong đó có cả dịch vụ ăn uống. Thành phố cũng nên đưa ra các chương trình kích thích tiêu dùng trong nhân dân để tạo ra lượng tài sản mới nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho các mạng lưới mới phát triển nơi có thể tìm kiếm khách hàng và phương thức phân phối mới thông qua tương tác với nhau; tổ chức sàn đấu giá và chợ điện tử hướng tới tất cả các DN; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương…

 

HUBA đề xuất, thành phố cần tập trung hỗ trợ để DN phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ hàng hóa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các kênh thương mại điện tử, xúc tiến thương mại,... Cùng với đó, gia hạn thêm thời gian (12 tháng) đối với chính sách nộp thuế, tiền thuê đất; đơn giản hóa thủ tục khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn trả lương cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động sau khi được tuyển dụng vào các DN trong và sau dịch.

 

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém đối với thành phố là phục hồi nền kinh tế. Để thực hiện “nhiệm vụ kép” này hiệu quả, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho các DN đang gặp khó khăn.

 

Tại một diễn đàn mới đây bàn về việc khôi phục và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh các giải pháp như: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để DN không rơi vào tình trạng mất lao động và phá sản; đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả xuất khẩu. Đồng thời, dự báo kịp thời, phối hợp các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang