Thứ Sáu, 26/04/2024 04:52:55 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2016

Lượt xem: 3177

TPP - Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Sự kiện ngày 5/10/2015 kết thúc khi lãnh đạo của 12 nền kinh tế, trong đó có Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Hiệp định thương mại lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Đến với TPP - Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
TPP - Cơ hội và thách thức với Việt Nam
Các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận khung TPP đầu tháng 10/2015

Phương trình mới

 

Trên sân chơi quốc tế, phương trình mới sẽ xuất hiện với tâm điểm là các cân nhắc chi phí - lợi ích. Quyết định kinh tế được đưa ra khi chi phí triển khai nhỏ hơn lợi ích mang lại. Một quốc gia sẽ không dùng 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất một chiếc ô tô, nếu cũng 10 đơn vị nguồn lực này người ta có thể tạo ra 6 chiếc xe máy để đổi lấy 02 chiếc ô tô từ các nước thành viên TPP. Giả thiết quan trọng trong ví dụ đơn giản này là thông thương giữa các quốc gia. Thật may mắn mã lực hấp dẫn của TPP trước hết chính là ở tính thương mại - chiến lược, giả thiết này trở thành hiện thực. Phương trình ban đầu “10 nguồn lực = 1 chiếc ô tô” đã được thay thế bằng hai phương trình “10 nguồn lực = 6 chiếc xe máy” và “6 chiếc xe máy = 2 chiếc ô tô”. Chúng ta ghi nhận sự xuất hiện của thương mại trong phương trình cuối.

 

Trong cơ chế thương mại, mọi thương nhân đều theo đuổi mục tiêu lợi nhuận của chính mình. Các mục tiêu này đều dẫn dắt từng cá nhân hành động vì lợi ích của cộng đồng bởi cách duy nhất để thực hiện là trao đổi tự nguyện do đó, để nhận được tiền từ người khác, người thương gia “trao cho người đó cái họ cần”. Chúng ta ghi nhận sự hiện diện của thương mại đã mang lại một phương trình mới cho quá trình tạo giá trị. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của thương mại dường như  ở Việt Nam lại chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Mặc dù phần đông doanh nghiệp đều thừa nhận hoạt động bán hàng có tính sống còn, nhưng thực tế triển khai lại không hoàn toàn như vậy. Không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư vào dây chuyền sản xuất và thiết bị mới hơn là cải thiện kỹ năng bán hàng và marketing trong tìm kiếm giải pháp mang lại mức lợi nhuận cao hơn. Cộng đồng doanh nghiệp chỉ bắt đầu quan tâm tới các hoạt động hỗ trợ thương mại như xây dựng hình ảnh, tạo thương hiệu, quan hệ công chúng, quyền sở hữu trí tuệ….

 

Những điều thấy được khi Việt Nam tham gia TPP 

 

Sau khi vào TPP, Việt Nam sẽ được gắn kết với khu vực phát triển năng động nhất của thế giới ở thế kỷ này, chiếm 40% GDP toàn cầu, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, điều này được thể hiện rõ, thứ nhất: TPP sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển của đất nước, thậm trí có thể mang lại ảnh hưởng tích cực hơn các hiệp định trước đây. Trước hết, hiệp định dỡ bỏ phần lớn hàng rào thương mại, cho phép Việt Nam tiếp cận với thị trường chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Việt Nam sẽ có được cơ hội hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên của TPP (khi có sự thay đổi GDP cao nhất), thậm chí có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD tới năm 2025. Thứ hai: Việt Nam có giá nhân công rẻ vẫn được các nhà đầu tư ưa thích, do đó khả năng thu hút FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đem lại phương thức quản lý mới và kéo theo đó là các dịch vụ giá rẻ, phục vụ chu đáo cũng xuất hiện nhiều hơn. Thứ ba: Việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu của hiệp định cũng khiến dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghệ khả quan hơn, điều này tác động tới ngành sản xuất - chế biến thực phẩm và được dự báo sẽ hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia (muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước). Thứ tư: Hiệp định sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp, xóa  đi tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Mở ra cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với nhau, với các doanh nghiệp nước ngoài. Thứ năm: Đem lại cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn cho người lao động, trong đó ngành may mặc được đánh giá khả quan nhất khi nhu cầu lao động phổ thông tăng 40%. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa chất lượng - giá rẻ - mẫu mã phong phú...

 

TPP tạo cơ hội lớn là vậy, tuy nhiên do xuất phát điểm của Việt Nam là thấp nhất trong khối, là nước có nền kinh tế với mức thu nhập bình quân thấp nhất trong khu vực, vì thế thách thức với Việt Nam cũng không phải nhỏ. Điều này được thể hiện, thứ nhất: Việt Nam sẽ gặp bất lợi từ việc giảm thuế quan với hàng hóa từ các nước đối tác. Giảm thuế cũng gây nguy cơ cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trong nước và hàng ngoại nhập, từ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị phần của hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam nói chung. Thứ hai: TPP cấm sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, trong khi ở Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, thì có tới 80% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự chuẩn bị đến với TPP còn hạn chế, dẫn đến việc ngành công nghiệp sản xuất còn non trẻ tại các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Thứ ba: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động và có thể tồn tại, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thì việc cần làm lúc này là tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện.

 

Hy vọng, Việt Nam sẽ vượt qua được mọi thách thức một các ngoạn mục để đổi mới và tái cấu trúc thành công, TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam bứt phá và đủ năng lực hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. 

 

Anh Thư


Tag:TPP

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang