Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:20:16 GMT+7

Tin đăng lúc 08-10-2017

Lượt xem: 14898

Trách nhiệm của doanh nghiệp - doanh nhân với đất nước, với cộng đồng

Doanh nghiệp (DN), doanh nhân có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là rường cột của nền kinh tế nước nhà, là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Doanh nhân Việt Nam đang thực sự trở thành lực lượng chủ lực, xung kích trong công cuộc xây dựng kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trách nhiệm của doanh nghiệp - doanh nhân với đất nước, với cộng đồng

Bên cạnh vai trò, vị trí hết sức cao cả đó, DN - doanh nhân còn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và cũng là tình cảm, trách nhiệm, đạo đức của DN - doanh nhân thời kỳ đổi mới và hội nhập.

 

Trông người, ngẫm ta

 

Ngày nay quan niệm “Nhất nông, nhì sĩ” đã không còn phù hợp nữa, mà tầng lớp thương nhân mới chính là linh hồn của nền kinh tế quốc gia. Kinh doanh là một nghề, một lĩnh vực hoạt động của con người trong xã hội. Mỗi xã hội khác nhau sẽ có những quan niệm và nhìn nhận khác nhau về nghề kinh doanh.

 

Những doanh nhân như Siemens, Daimler được xem như là những nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc Đức. Honda được người Nhật coi như anh hùng dân tộc, vì chính ông và công ty Honda của ông đã góp phần biến nước Nhật bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ II, nghèo tài nguyên thiên nhiên trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới. Với số vốn khởi nghiệp chỉ 5.000 USD khi còn là sinh viên, Bill Gates được thế giới ngưỡng mộ bởi ông không chỉ là người giàu nhất hành tinh, mà còn vì ông đã hiến nhiều tỷ USD cho việc phòng chống căn bệnh AIDS và các hoạt động từ thiện khác.

 

Ở nước ta trong thời kỳ phong kiến thì thương nhân không được coi trọng vì “Nhất sĩ nhì nông”. Đến thời Pháp thuộc, mặc dù bị chèn ép và cạnh tranh không cân sức nhưng dần dần đã xuất hiện tầng lớp doanh nhân thành đạt có đóng góp to lớn cho cách mạng như ông Bạch Thái Bưởi, người sáng lập ra hãng tàu vận tải đường sông; Ông Trịnh Văn Bô - chủ hãng buôn vải lụa. Ở miền Nam, mặc dù chiến tranh ác liệt, song tầng lớp doanh nhân vẫn không ngừng phát triển, một số DN lớn đã ra đời với danh hiệu “vua gạo”, “vua tole”, “vua thuốc tây”...

 

Từ Đại hội VI, Đảng ta đã tiến hành đường lối đổi mới. Kể từ đó, kinh tế tư nhân đã từng bước được hồi sinh và tầng lớp doanh nhân Việt Nam bắt đầu “đâm chồi nẩy lộc”. Đặc biệt, khi luật DN được ban hành thì nhiều năm trở lại đây, doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, không ít các DN tư nhân tầm cỡ Tập đoàn kinh tế mạnh đã được hình thành và góp phần phát triển kinh tế đất nước như: Vingroup, Bitexco, Hoa Sen, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, Tân Hoàng Minh, Trung Nguyên, Hoàng Anh Gia Lai...

 

Những nước Châu Á nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Singapore nhưng sở hữu tầng lớp doanh nhân xuất sắc, năng động vẫn có thể dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế. Còn tầng lớp doanh nhân Việt Nam sẽ có vị trí nào trong dòng chảy lịch sử tới đây của dân tộc, sẽ làm thế nào để góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước? Chắc hẳn, chỉ có người Việt, trong đó có tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới giải mã được câu hỏi đó.

 

Vẫn còn những tồn tại

 

Trong nền kinh tế thị trường, các DN hoạt động tạo ra hàng hóa, dịch vụ, các giá trị sử dụng đem lại lợi nhuận cho họ. Chính vì vậy, khi lợi ích DN mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng thì có thể vì lợi nhuận, DN dễ phát sinh tiêu cực, xâm hại lợi ích cộng đồng.

 

Trên thế giới đã có nhiều minh chứng cho vấn đề này. Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự điều tiết của Nhà nước đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thì mặt trái của nó cũng có điều kiện phát sinh, phát triển. Đó là do một bộ phận không nhỏ DN chỉ chú trọng đến lợi nhuận của chính họ, mà chưa quan tâm đến lợi ích cộng đồng. Ví như, báo chí đã đưa rất nhiều tin về các DN đã hủy hoại môi trường. Chẳng riêng gì công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, mà còn nhiều xí nghiệp, nhà máy cũng “vô tư” xả nước thải chưa qua xử lý ra biển hồ, sông ngòi; một số DN nhập rác thải làm ô nhiễm môi trường; không ít DN chế biến hải sản đông lạnh, hoặc chế biến thực phẩm cho thêm hóa chất gây tác hại đến sức khỏe con người... là những minh chứng sinh động cho động cơ chỉ vì lợi nhuận mà không chú trọng đến trách nhiệm với cộng đồng.

 

Trước thực trạng đó, cộng đồng đã gây áp lực lên DN. Biểu hiện rõ nét nhất là việc tẩy chay không dùng hàng hóa của DN vi phạm lợi ích cộng đồng, hoặc thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí để phanh phui sự việc. Cao hơn nữa, các cơ quan pháp luật vào cuộc để buộc các DN làm ăn tắc trách đó phải chịu những hình phạt đúng pháp luật. Trên thế giới, các tổ chức quốc tế đã cho ra đời nhiều tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, đảm bảo lợi ích cộng đồng như tiêu chuẩn ISO 14000 (vì môi trường); Tiêu chuẩn SA 8000 (trách nhiệm xã hội - chủ yếu là với lao động trong DN); Tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt); HACCP hệ thống phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn trong các ngành chế biến thực phẩm)... Các tiêu chuẩn nói trên nằm trong các Bộ quy tắc ứng xử của DN. Các bộ quy tắc ứng xử (CoC) là tập hợp các quy định tạo dựng trách nhiệm hoặc ứng xử chuẩn mực cho một tổ chức hoặc cá nhân.

 

Trách nhiệm xã hội của DN được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội vì lợi ích cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng, được sự quan tâm không chỉ đối với DN, với pháp luật mà còn có cả sự giám sát của người tiêu dùng. Hệ thống pháp luật trong sản xuất kinh doanh ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Sự ra đời của Luật Lao động, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng... ngày càng tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, nhưng cũng chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp nào hoạt động tính nhiều đến lợi ích cộng đồng thì DN đó phát triển tốt và bền vững. Những DN nào “ăn xổi ở thì” sớm muộn cũng bị xã hội phanh phui và tẩy chay. Thời đại ngày nay đã khác xa với hàng chục năm về trước. Nghĩa là người dân sống và mua sắm hàng hóa phải có những tiêu chí của nó, họ phải biết mua của ai, chất lượng ra sao, hành vi DN thế nào. Vì vậy, DN cũng cần biết đến lợi ích và nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Lợi ích DN và trách nhiệm đối với cộng đồng luôn phải được song hành với nhau. Không thể đặt quá cao lợi nhuận của DN mà xem nhẹ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Đó chính là phương châm đúng đắn nhất cho DN, doanh nhân Việt Nam thời hội nhập.

 

Anh Thư


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang