Thứ Sáu, 19/04/2024 10:28:11 GMT+7

Tin đăng lúc 29-01-2019

Lượt xem: 3810

Trái cây, thực phẩm 'nhảy' giá theo Tết

Càng sát Tết Nguyên đán, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, các tiểu thương đã nâng giá các mặt hàng thực phẩm, hoa quả, một số loại cao hơn nhiều so với ngày thường. Dự báo giá thực phẩm, trái cây sẽ khó hạ nhiệt cho tới hết Rằm tháng Giêng.
Trái cây, thực phẩm 'nhảy' giá theo Tết
Buôn gà ngày Tết đắt hàng

Khảo sát thị trường thực phẩm những ngày sát Tết Nguyên đán cho thấy, giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản, trái cây… tại các chợ dân sinh đang tăng so với ngày thường.

 

Trước đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều nhóm hàng tăng giá, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu do nhu cầu trong dân tăng và tiểu thương tích trữ đợi bán hàng Tết.

 

Giá thực phẩm tăng từng ngày

 

Dự kiến, mặt bằng giá cả một số nhóm hàng thiết yếu có thể biến động như gạo ngon, gạo nếp tăng 2-5%, thịt lợn, thịt gà tăng 10-15%, rau củ tăng 10-20%, hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương…), tăng 8-10%, cây hoa cảnh tăng 20-25%.

 

Tại chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Mai – tiểu thương buôn bán thủy sản, cho biết nhu cầu đối với nhóm thực phẩm này khá cao nên việc tăng giá cũng là điều dễ hiểu.

 

Giá cá trắm sống được bán 70.000 đồng/ kg, giá cá chép 60.000 – 70.000 đồng/kg, tôm sú hơn 500.000 đồng/kg… Riêng đối với tôm, chị Mai khẳng định những ngày sắp tới, giá chắc chắn sẽ còn tăng, hiện mức giá thay đổi theo từng ngày.

 

Đối với mặt hàng gạo, giá các mặt hàng gạo tẻ giữ nguyên, song các mặt hàng gạo nếp có xu hướng tăng 2.000 – 10.000 đồng/kg.

 

Chủ một cơ sở buôn gạo tại Hà Nội lý giải: "Nhu cầu gạo nếp vào mỗi dịp Tết rất lớn, giá tăng so với bình thường là khó tránh khỏi".

 

Các loại thực phẩm thịt lợn, thịt gà, thịt bò cũng tăng 5-20%. Đặc biệt, giá gà trống làm lễ được bán 120.000 – 150.000 đồng/kg. Chị Minh, chủ buôn gà (Đội Cấn, Hà Nội), cho biết chị đã nhận khoảng 50 đơn hàng đặt trước cho Tết Nguyên đán. Riêng hôm 23 tháng Chạp, đến trưa, cửa hàng chị đã hết hàng.

 

"Để đảm bảo phục vụ khách chu đáo, những ngày này, tôi phải thuê thêm người phụ làm gà. Đồng thời, cửa hàng chuẩn bị các ký hiệu để đeo vào chân gà, giúp phân biệt tránh nhầm lẫn gà của khách này với khách khác", chị Minh chia sẻ.

 

Đối với thịt lợn, khảo sát của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 1/2019, giá lợn hơi trong nước tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018.

 

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 46.000 – 50.000 đồng/kg, phổ biến trong khoảng 47.000 – 48.000 đồng/kg.

 

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 47.000 – 52.000 đồng/ kg. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá giao dịch trong khoảng 41.000 – 50.000 đồng/kg.

 

Lý giải nguyên nhân, Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, giá lợn hơi tăng do dịch lở mồm long móng ảnh hưởng đến nguồn cung trong khi nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang tăng lên.

 

Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên giá các mặt hàng rau xanh không tăng hoặc giá tăng nhẹ, bắp cải được bán 10.000 đồng/kg, súp lơ 12.000 đồng/cái, cà chua 13.000 đồng/kg…


Trái cây khó hạ nhiệt

 

Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết diện tích trồng rau năm nay khoảng 390.000ha, tương đương năm ngoái. Có thể khẳng định nguồn cung năm nay rất dồi dào, không lo giá tăng.

 

Cùng với thực phẩm, giá các mặt hàng trái cây cũng đang bị đẩy lên cao 5.000 – 20.000 đồng/kg so với ngày thường, như cam Canh lên 55.000 đồng/kg, xoài: 40.000 đồng/ kg, thanh long: 35.000 đồng/kg, hồng xiêm: 40.000 đồng/kg…

 

Đặc biệt, giá các loại hoa quả để trưng mâm ngũ quả như phật thủ, bưởi tăng khá cao so với bình thường. Đơn cử, giá bưởi Diễn loại 1 tại vườn vào khoảng 60.000 – 80.000 đồng/quả, loại 2 từ 40.000 đến 60.000 đồng/quả, loại 3 khoảng 30.000 – 40.000 đồng/ quả. Chuối giá 25.000 – 40.000 đồng/nải.

 

Quả phật thủ mẫu mã đẹp có giá khoảng 200.000 đồng/quả, quả bình thường khoảng 100.000 đồng/quả. Một số tiểu thương cho biết năm nay mưa lớn kéo dài kèm theo tình trạng sương muối, giá rét khiến cho sản lượng phật thủ giảm mạnh, khiến giá phật thủ tăng.

 

Bên cạnh trái cây nội, giá các sản phẩm ngoại cũng có nhiều biến động. Riêng các sản phẩm cao cấp như nho, cherry, kiwi, táo nhập đều tăng giá 10 – 20%. Chị Hoa (Hà Nội) cho biết tuần trước đặt giỏ trái cây nhập khẩu làm quà Tết cho khách hàng của công ty, đến tuần này mua thêm đã tăng lên 5%.

 

Theo tiểu thương và doanh nghiệp thu mua trái cây, từ nay đến Tết, nhiều loại trái cây được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là các sản phẩm có trong mâm ngũ quả đang thiếu hàng. Do đó, giá trái cây sẽ khó hạ nhiệt cho tới hết Rằm tháng Giêng.

 

Nguồn Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang