Thứ Sáu, 19/04/2024 11:57:19 GMT+7

Tin đăng lúc 17-05-2019

Lượt xem: 1524

Trái cây Việt lép vế ở thị trường lớn

Phải mất hàng chục năm, một số loại trái cây Việt Nam mới được cấp phép vào Mỹ, Nhật Bản, Úc, nhưng để giành được thị phần ở các thị trường này không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ về mẫu mã, giá cả, chủng loại.
Trái cây Việt lép vế ở thị trường lớn
Trái xoài Việt kém cạnh tranh về giá trên đất Mỹ chủ yếu do chi phí chiếu xạ

Quả vải phải mất 12 năm mới xuất khẩu (XK) được sang Úc, xoài Cát Chu mất 5 năm mới xuất hiện trên kệ hàng ở Nhật Bản, thanh long mất 9 năm mới sang được Úc… Mới đây, sau 10 năm, xoài Việt Nam mới được xuất sang Mỹ.

 

Kém cạnh tranh không chỉ về giá

 

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sau khi được Mỹ cấp phép nhập khẩu xoài tươi vào tháng 2/2019 (sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa), ngày 18/4/2019, 8 tấn xoài từ Cao Lãnh, Đồng Tháp, Việt Nam đã được xuất sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không.

 

Với việc chính thức xuất sang thị trường khó tính này, trái xoài của Việt Nam hứa hẹn nhiều tín hiệu rất khả quan trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, những kỳ vọng trên vẫn chưa đem lại nhiều kết quả. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xoài Việt Nam đang tiêu thụ rất chậm tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân là do chuyến hàng đầu tiên sang Mỹ bảo quản không tốt, tỷ lệ hư hỏng phải bỏ đi nhiều, lên tới 30-40%. Trong khi đó, số lượng quả chín nhiều, vỏ ngoài nhìn đẹp nhưng bên trong đã nẫu, tạo ấn tượng xấu với người dùng.

 

Hơn nữa, giá xoài của Việt Nam tại thị trường Mỹ quá cao so với các đối thủ cạnh tranh khác nên sản phẩm càng khó bán. Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cũng cho hay vấn đề của xoài Việt trên đất Mỹ nằm ở giá cả.

 

Hiện, mỗi quả xoài cát Việt Nam khi sang đến Mỹ có giá cao hơn 4-5 lần so với các loại xoài khác trên thị trường. Cụ thể, xoài cát Việt Nam có giá 50-70 USD/thùng 12 trái, trong khi giá trung bình của xoài nhập từ các nước khác, nhất là từ Mexico, chỉ 10 –15 USD/thùng.

 

Một trong những lý do chính dẫn đến giá thành cao như vậy là chi phí chiếu xạ của Việt Nam quá cao, gấp tới 4 lần của Thái Lan – đối thủ cạnh tranh chính yếu. Cụ thể, chi phí chiếu xạ 1kg xoài của Việt Nam là 1 USD, trong khi của Thái Lan chỉ là 25 UScent.

 

Hiện nay, ở khu vực miền Nam chỉ có duy nhất một nhà máy chiếu xạ được đặt tại Tp.HCM. Công suất của nhà máy còn nhỏ, các doanh nghiệp (DN) XK rau quả phải xếp hàng mới tới lượt.

 

"Việc thiếu nhà máy chiếu xạ kéo theo hệ luỵ nhiều lần DN bị bể kèo với các hãng vận chuyển. DN đăng ký với các hãng hàng không vận chuyển 3-4 tấn hàng, nhưng đến giờ tập kết hàng, DN lại không có hàng để xuất đi do chưa chiếu xạ kịp", ông Nguyên cho biết.

 

Tình trạng kém cạnh tranh của quả xoài cũng là câu chuyện "đau đầu" của cả ngành trái cây. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng trước khi trái cây Việt Nam có mặt ở những thị trường khó tính, sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản thuộc dòng cao cấp đã hiện diện tại đây. Trái cây Việt Nam tại những thị trường này được xem là "lính mới", vừa ít chủng loại lại vừa phải cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả.

 

Điển hình như ở thị trường EU, số lượng trái cây XK của Việt Nam không đáng kể do không cạnh tranh được về giá, chất lượng sau thu hoạch và thời gian giao hàng so với các nước khác. Nhiều quốc gia XK trái cây ở khu vực châu Á như Thái Lan, Philippines và Malaysia có lợi thế hơn Việt Nam do ít bị phía EU kiểm tra, điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật đối với nhóm hàng rau quả nhập khẩu và giá cạnh tranh hơn. Trong khi đó, trái cây Việt kém cạnh tranh với các đối thủ có vị trí địa lý gần hơn như Brazil, Peru, Ecuador, Panama về giá.

 

Giảm giá thành, tăng chế biến

 

Tại Nhật Bản, dù có nhu cầu tiêu thụ cao về các loại trái cây nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải nhưng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất khắt khe, nên trái cây Việt Nam XK vào thị trường này cũng không thể tăng.

 

Đồng thời, các loại trái cây Việt Nam kém cạnh tranh so với các đối thủ về giá cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh (giá chuối Việt Nam cao hơn Philippines 8% và Costa Rica 52%; giá xoài cao hơn Mexico, Thái Lan 50%…).

 

Đặc biệt, một trong những điểm yếu của trái cây Việt Nam là chủng loại kém đa dạng, chủ yếu XK tươi. Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch XK năm 2018 của mặt hàng trái cây cán đích 4 tỷ USD, vượt qua cả dầu thô nhưng giá trị cạnh tranh vẫn thấp và khâu bảo quản vẫn là điểm yếu cơ bản.

 

Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, số lượng XK lớn nhất vẫn là nhãn và thanh long vì hai loại trái cây này có thời gian bảo quản tương đối dài (nhãn bảo quản được 45 ngày, thanh long được 30 ngày). Tuy nhiên, với thời gian đó, nhãn và thanh long sang Mỹ bằng tàu biển cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn.

 

Trong khi quả chôm chôm với thời hạn bảo quản chỉ một tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi đường hàng không, mà giá cước máy bay rất cao khiến XK chôm chôm sang Mỹ bị hạn chế khá nhiều. Còn trái vải gần như không còn được các DN XK sang Mỹ do thời gian bảo quản quá ngắn.

 

Theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trái cây Việt Nam hiện chủ yếu được tiêu thụ trong nước ở dạng tươi, tỷ lệ XK không đáng kể so với sản lượng thu hoạch; chỉ riêng một số loại có tỷ lệ XK cao như thanh long (tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15- 20%), vải (tiêu thụ nội địa khoảng 50%), còn phần lớn lượng XK các loại trái cây khác mới chỉ từ vài chục đến vài nghìn tấn/ năm, nên còn nhiều tiềm năng XK.

 

Đại diện tỉnh Bình Thuận chia sẻ thanh long là loại trái cây chủ lực của địa phương này. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu nhất là sản phẩm chế biến từ thanh long, số lượng, quy mô và công nghệ chế biến thanh long còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

 

Tỉnh Bình Thuận mong muốn Nhà nước khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến và hỗ trợ các DN đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm từ thanh long như thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo… nhằm giảm áp lực khâu tiêu thụ quả tươi.

 

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Thực phẩm XK Đồng Giao, để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa XK, DN nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp gia tăng giá trị của các sản phẩm lên 10- 20 lần so với trái cây tươi.

 

Đánh giá tổng thể ngành trái cây Việt Nam, ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết ông đã đi khá nhiều nước trên thế giới, thưởng thức không biết bao nhiêu loại trái cây và thấy trái cây Việt Nam rất ngon.

 

Tuy nhiên, theo ông Mười bất cập của ngành trái cây chính là sản xuất nhỏ lẻ, trồng không theo quy hoạch, mỗi nông dân có cách chăm bón khác nhau không tuân thủ quy trình, khi thấy sâu bệnh liền phun thuốc, dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

 

Đại diện Vina T&T kiến nghị, Bộ NN&PTNT tổ chức các hội thảo, hội nghị bồi dưỡng cho giám đốc HTX, nông dân có vùng trồng lớn những kiến thức, quy trình canh tác trái cây hiệu quả.

 

"Cần đẩy mạnh thành lập các HTX để đưa người dân vào chung một nhóm học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau, tiến lên sản xuất lớn. HTX quản lý đầu vào, đầu ra. DN chỉ việc làm việc với đại diện HTX, thay vì với từng hộ nông dân nhỏ lẻ. Chỉ khi nào có vùng quy hoạch XK trái cây lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe, lúc đó ngành trái cây Việt Nam mới có lợi thế cạnh tranh, không phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc", ông Mười chia sẻ.

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang