Thứ Sáu, 26/04/2024 02:30:13 GMT+7

Tin đăng lúc 13-07-2014

Lượt xem: 5175

Trao đổi ý kiến: Sính từ hay lạm dụng?

Trong khoảng thời gian hơn mười năm trở lại đây, trong một số văn bản, công văn, bài báo và các bài phát biểu trả lời phỏng vấn với các cơ quan đài, báo ở cả trung ương và địa phương người ta hay lạm dụng một số câu, từ mà cả người nói, người viết hay người hỏi đều hiểu biết một cách không đầy đủ về ý nghĩa của từ hoặc cụm từ.
       Trao đổi ý kiến:  Sính từ hay lạm dụng?

 

Cổ nhân đã dạy “ Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”! Vậy mà nhiều người chưa biết, viết chưa quen nhưng lại rất hay dùng từ mới “sính từ” trong khi chưa hiểu nguồn gốc xuất xứ mà cứ nói, cứ dùng. Để viết bài này, tôi xin thưa với bạn đọc đây là bài trao đổi ý kiến nên cách hiểu và diễn đạt theo chủ quan, vậy nếu có gì không phải thì mong được lượng thứ! Trước hết nói về cụm từ “Bất cập” có nghĩa là: Không kịp (nghĩa của chữ bất là không, cập là kịp). Vậy mà cụm từ này người ta thi nhau dùng như : “ Ngành T, ngành N, ngành Đ còn nhiều vấn đề bất cập (viết trong tạp chí CN), ngành giáo dục đào tạo còn bất cập, công tác sinh đẻ kế hoạch còn nhiều bất cập (đã nói và phát trên đài)”.“Cơ quan, đơn vị tôi còn nhiều bất cập”... kể mãi cũng không hết được cụm từ này, có nghĩa là cứ thấy bí từ không biết nên diễn giải thế nào là người ta dùng ngay cụm từ “bất cập”? Khi phỏng vấn cả người hỏi và người trả lời đều dùng từ này thì người nghe không thể hiểu nổi và đặt ra câu hỏi là: Tại sao cái gì cũng (bất cập – không kịp) là như thế nào nhỉ?

 

Một cụm từ khác lâu nay người ta vẫn dùng từ “cảm ơn” để tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình, cho gia đình và tập thể của mình( phần được ơn, nhận ơn) đối với ngôi thứ nhất (ban ơn). Chữ cảm ở đây như là chữ nhận. Vậy nhưng nhiều người viết và nói lại cứ “Cám ơn” nghe không được chuẩn. Chữ “cám” hay được dùng trong cụm từ “cám cảnh”( nghĩa là động lòng thương cảm trước một cảnh ngộ). Vậy nên khi bầy tỏ lòng biết ơn thì phải dùng từ “cảm ơn” mới đúng. Trong việc khen thưởng cao khi nói về Huân chương các loại, các hạng thì phải viết đúng, nói đúng theo sắc lệnh của Chủ tịch nước là: “Huân chương ...hạng Nhất” chứ không được nói và viết là “Huân chương hạng 1, hạng 2, hạng 3”! Bởi theo nghĩa Hán-Việt thì Nhất là đầu, là cao nhất, to nhất, lớn nhất. Nhất rồi mới đến Nhì, nếu nói Huân chương hạng 2, theo số học thì 2 phải lớn hơn 1 mà 3 lại lớn hơn 2. Có một từ khác là “tồn tại” hiểu theo cách giải thích trong từ điển thì là ở trạng thái có thật, còn lại, chưa mất đi. Biết là vậy mà người ta cứ gán cho cụm từ này là khuyết điểm, ví dụ :“Cơ quan, đơn vị, tập thể hoặc bản thân còn nhiều tồn tại” mà tồn tại cái gì cơ chứ? Từ công văn đến lý lịch tự thuật ai cũng cứ viết, cứ khai sau khi đã nêu xong phần ưu điểm là đến phần “tồn tại” mà thực ra chả hiểu rõ nghĩa nên cứ viết, cứ nói mà chả biết đúng, sai cụ thể ra sao! Cũng trong một số báo cáo, công văn, lý lịch bản thân và cả trên báo chí người ta cứ dùng từ “yếu điểm” mà không hiểu rõ cụm từ này để nêu lên cái điểm quan trọng là “trọng yếu” chứ không có nghĩa là “yếu kém”? Vẫn có nhiều người viết và nói “ Bên cạnh những cố gắng, ưu điểm và thành tích đã đạt được vẫn còn nhiều “yếu điểm” tồn tại cần khắc phục...” mà đáng ra phải viết là “ những yếu kém đang còn tồn tại cần khắc phục vượt qua...”. Có một câu khẩu ngữ dùng làm chủ đề cho hội nghị như “ Hội nghị tổng kết năm 20..., bàn phương hướng nhiệm vụ năm 20...” Ở đây chữ “hội” nghĩa là họp, chữ “nghị” là bàn. Đã có cụm từ hội nghị ở trên thì đã là bàn rồi thì hà cớ gì phải dùng từ “ bàn” ở dưới nữa, vừa thừa chữ lại thô thiển cả câu ? vv và vv...

 

Cũng có một dạo, trên báo chí và truyền hình, phát thanh khi nói về mô hình kinh tế người ta liên tục nói đến “quay hộp đen”, nhiều người cả cán bộ cấp cao đến cấp bình dân đề cập rất nhiều đến cụm từ này mà không biết “ hộp đen hay hộp tối” là thế nào và phải quay ra sao, phải cần đến bao nhiêu người để quay và quay bao nhiêu lần là đủ? Cũng có một ngành kinh tế lớn nọ khi mới được hình thành lại rất thích dùng từ “quản trị” như: Quản trị tài nguyên, quản trị kinh tế, quản trị tiền lương, đất đai, đời sống, thậm chí có lúc người ta còn dùng cả vào việc “ quản trị công tác tiến bộ phụ nữ” ...? thật quả là khó hiểu! Một số cụm từ khác như : “Dư địa”“Hoành tráng” cũng có rất nhiều ngành và người dùng vào cả văn bản đến văn viết và văn nói cũng là điều cần trao đổi nên dùng như thế nào cho hợp lẽ, hợp cảnh?

 

Gần đây trong văn nói có một cụm từ “Hệ thống chính trị” mà rất nhiều người hay dùng. Cơ quan tôi có một bà nhân viên tạp vụ về hưu, nghỉ ở nhà ít việc nên được mọi người đề cử làm tổ phó dân phố, thỉnh thoảng cũng được mời đi họp ở phường về. Bà phụ trách việc thu tiền vệ sinh, tiền an ninh, tiền quỹ ủng hộ các cháu thiếu niên trong hoạt động hè, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6 hoặc tết Trung thu...Khi có việc thu tiền, bà đến các gia đình trong tổ dân phố để phổ biến và thông báo, tất cả mọi thứ liên quan bà đều nhắc đến cụm từ này. Những người dân thuộc tổ dân phố tôi ở hầu hết là cán bộ, sỹ quan quân đội, công an … nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học đã làm hiệu trưởng các trường đại học hoặc còn đương tại chức làm việc hoặc giảng dạy. Ai ai cũng sống với nhau đoàn kết, thân ái, vui vẻ và hầu hết đều ngại nói và nghe đến từ “chính trị”. Vậy mà khi bà tổ phó đến thu tiền lại liên tục nói việc phải huy động cả “hệ thống chính trị” mới chỉ nghe một từ “ chính trị” đã ngại rồi mà lại nói đến cả “hệ thống”nữa nên ai cũng  khiếp, sợ chết đi được?

 

Việc dùng từ và sử dụng từ bây giờ nhiều lúc không biết là do người ta lạm dụng hay là sính từ mà liên tục cập nhật những câu nói mới để đưa vào trong giao tiếp, nghe thì buồn cười mà nhiều lúc nghe được thì không biết nên cười hay nên gì... nữa? Thích cái mới thì ai cũng ủng hộ, nhưng nếu lạm dụng nhiều quá và lại sử dụng một cách không phù hợp với hoàn cảnh thì cũng cần phải bàn cho nó ra nhẽ.

 

Để kết thúc bài viết và bạn đọc đỡ căng thẳng, tôi xin kể lại một câu chuyện nhỏ mà tôi nghe được từ khi còn đi học cấp I ở trường làng. Chuyện kể rằng:    “Ngày xưa, trong một phiên chợ buổi sáng có một người bán hàng, ông đến cất tiếng rao “ Ai mua mâu đi”. Có người hỏi: Mâu loại gì? Trả lời: “ Mâu loại này của tôi là loại sắt cực tốt và sắc nhọn, đâm cái gì cũng thủng” ! Khi bán hết mâu, buổi chiều đến vẫn người bán hàng ấy nhưng mang đến bán một loại hàng khác, ông lại cất tiếng rao: “Có ai mua thuẫn đi, đây là loại thuẫn tốt nhất, cứng nhất không có một loại mâu nào, dù sắc nhọn đến đâu cũng không thể đâm thủng được!”(thuẫn là một loại lá chắn) để bảo vệ và che chắn khi chiến đấu. Cùng một người bán hàng nhưng có hai mặt hàng, bán tại hai thời điểm khác nhau và lại là hai mặt hàng là “Mâu và Thuẫn” cách rao bán lại đối lập nhau nên mới sinh ra cụm từ “mâu – thuẫn” chăng? Cái cách dùng từ và hiểu về ngữ nghĩa của người xưa đã khó thế, nên bây giờ khi sử dụng phải rất cần có sự cẩn trọng và đúng với nghĩa thực của từng từ, cụm từ đó. Và chỉ có như vậy thì mới góp phần vào việc giữ gìn được sự trong sáng và dễ hiểu khi nói và viết theo ngôn ngữ tiếng Việt mà tất cả chúng ta đều phấn đấu để thực hiện. Vài ba lời trao đổi nôm na, mong các bậc cao niên và bạn đọc, bạn viết tham gia và nếu được quan tâm thì hy vọng rằng sẽ có dịp cùng thảo luận trở lại chủ đề này!

 

                                                                                                               Nhà báo Nguyễn Quang Tình


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang