Thứ Sáu, 29/03/2024 16:52:18 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2016

Lượt xem: 5550

Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016: 100% hàng hóa trưng bày là hàng Việt Nam

Từ ngày 26 – 29/8, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) đươc giao là đơn vị đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân – Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ (TCMN) và Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016, trong đó, toàn bộ hàng hóa trưng bày tại Hội chợ là hàng Việt Nam.
Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016: 100% hàng hóa trưng bày là hàng Việt Nam
Cục CNĐP(Bộ Công Thương) gặp gỡ đại diện một số cơ quan báo chí nhân dịp tổ chức Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016

Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo Bộ Công Thương và UBND TP.Hà Nội; các đơn vị tổ chức thực hiện bao gồm Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), Vụ Thi đua – Khen thưởng, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… phối hợp thực hiện. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện: Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam; 71 năm ngày Quốc khánh 2/9; Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống băn hóa mới ở khu dân cư. Chương trình nhằm mục đích giới thiệu, ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các Nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

 

Triển lãm – Hội chợ sẽ giới thiệu những kết quả phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đặc biệt là giới thiệu sản phẩm của các Nghệ nhân Nhân dân (NNND) – Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) đã được Nhà nước phong tặng trong thời gian qua. Cụ thể, danh hiệu NNND trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được đề xuất phong tặng cho 16 cá nhân các nghề thêu, gốm, thêu phục chế, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đồng, đúc đồng, điêu khắc đá thuộc các địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. 87 cá nhân được đề xuất danh hiện NNƯT trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc các nghề mộc mỹ nghệ, gốm, tranh dân gian Đông Hồ, sơn mài, sơn khắc, điêu khắc, điêu khắc tạc tượng, sơn son thếp vàng, bạc truyền thống, thêu ren, mây tre đan, mây tre, dệt lụa, gốm sứ… đến từ các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Long An, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

 

 Một doanh nghiệp tỉnh Hà Nam tham gia triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ

 

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng CNĐP cho biết, chương trình này là hoạt động mang tính xã hội hóa cao, tập trung chủ yếu vào 3 nội dung chính: Tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu cho NNND - NNƯT; Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016 và Lễ phong tặng Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam và thao diễn tay nghề của nghệ nhân thuộc các làng nghề truyền thống Việt Nam, gắn với một số Hội thảo, định hướng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, tổ chức truyền nghề. Đồng thời, giới thiệu những thành tựu, kết quả của hoạt động khuyến công trong công tác đồng hành, hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, Triển lãm – Hội chợ còn là nơi khuếch trương, quảng bá tinh hoa, hình ảnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, nhằm tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Nhóm sản phẩm trưng bày gồm mây tre đan, kim hoàn, thêu ren, lụa tơ tằm, điêu khắc gỗ, đúc đồng, khảm trai, gốm sứ và nhóm các sản phẩm khác ở mọi miền đất nước. Khu vực triển lãm sẽ trưng bày sản phẩm TCMN tiêu biểu của các NNND – NNƯT, với các sản phẩm có tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành phố, thể hiện được những tinh hoa làng nghề, có giá trị văn hóa đặc sắc, với quy mô 25 khu gian hàng triển lãm, diện tích 36 m2/khu. Bên cạnh đó, khu vực Hội chợ sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm TCMN, các sản phẩm CNNT do các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu và giao thương với tổng quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn tương đương 900 m2. Trong đó, 100% sản phẩm trưng bày là hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hóa của Việt Nam, việc làm này nhằm tuyên truyền cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Đại diện Vụ Thi đua khen thưởng Bộ Công Thương cho biết: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký văn bản trình Chính phủ, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND – NNƯT cho 103 cá nhân (16 NNND, 87 NNƯT). Tới thời điểm này, tất cả nội dung Chương trình Buổi lễ vẫn nằm trong kế hoạch tiến độ triển khai và không có gì thay đổi”.

 

Đây là lần thứ 3 Bộ Công Thương tổ chức chương trình này, lần 1 được tổ chức năm 2008, kết quả, có 1 NNND, 5 NNƯT; lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2012, có 20 nghệ nhân đạt giải NNƯT. Tại lần tổ chức thứ 3 sẽ có 21/63 tỉnh, thành phố tham dự, chiếm tỷ lệ nhiều hơn những lần tổ chức trước đó, Chương trình lần này sẽ được tổ chức tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, dự kiến sẽ thu hút đông đảo các khách hàng trong và ngoài nước tới tham dự.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang