Thứ Sáu, 19/04/2024 17:38:41 GMT+7

Tin đăng lúc 27-01-2020

Lượt xem: 1704

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2020

Năm 2019, ngành ngân hàng đã ghi dấu ấn quan trọng, nhiều ngân hàng thương mại đạt kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận phá vỡ những dấu mốc kỷ lục, từng bước đạt chuẩn Basel 2 và xử lý nợ xấu cũng đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Ðây cũng chính là nền tảng để các tổ chức tín dụng (TCTD) lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong năm 2020.
Triển vọng ngành ngân hàng năm 2020
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HD Bank.

Kỳ vọng chính sách tiếp tục ổn định

 

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Theo dự báo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2020 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), định hướng của NHNN đối với các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục được thể hiện và duy trì trong năm 2020, tập trung vào chất lượng thay vì tăng dư nợ cho vay. Do đó, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2017 và tương đương năm 2018 - 2019, kỳ vọng không quá 14% cho năm 2020. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ cũng tiếp tục giữ ở mức thấp; thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định. Theo Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019 được đánh giá ở trạng thái “tốt” đối với cả đồng Việt Nam và ngoại tệ, có cải thiện tích cực hơn so với quý III-2019 và năm 2018. Dự báo trong quý I-2020 và cả năm 2020, các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện.

 

Bên cạnh đó, lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ổn định. Theo Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP An Bình Vũ Thu Hằng, áp lực tăng lãi suất huy động đầu năm 2020 sẽ không “nóng” bằng năm 2019. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhìn nhận, năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ thấp dựa trên hai nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất. Theo đó, việc giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng lớn và nhỏ do quy định giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

 

Ðánh giá về triển vọng của thị trường tài chính tiền tệ trong năm 2020, TS Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB cho rằng, năm 2020, các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa sẽ tác động tới chỉ số USD và đồng Nhân dân tệ (CNY), là nhân tố quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến triển vọng thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có những bước tiến mới với việc đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 cho phép chúng ta giả định rằng triển vọng đồng CNY sẽ được giữ tương đối ổn định trong năm 2020, kéo theo tỷ giá cũng duy trì ổn định, cộng với tâm lý thị trường khá vững, tỷ giá USD/CNY cơ bản tiếp tục đi ngang với mức giá phụ thuộc vào giá sàn mua vào ngoại tệ của NHNN. Ðồng thời, hoạt động giải ngân tiền gửi Kho bạc Nhà nước từ NHNN xuống thị trường bắt đầu nhộn nhịp; lãi suất thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng đủ thấp, cơ bản dao động ở mức 3% cho kỳ hạn đại diện một năm.

 

Duy trì đà tăng trưởng bền vững

 

Theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê, năm 2019 có 91,2% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó 32,4% đánh giá “cải thiện nhiều” và 56,3% đánh giá “cải thiện ít”. Dự kiến trong thời gian tới, 82,5% số TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý I-2020 và 89,3% số TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2020 “cải thiện” hơn so với năm 2019, trong đó 26,2 đến 35% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Hầu hết các TCTD thống nhất nhận định và kỳ vọng hai nhân tố khách quan là “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD”, “Ðiều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và nhân tố chủ quan “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của các TCTD” đã và sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhất. Trong đó, nhân tố chủ quan “Trang thiết bị, công nghệ” dự kiến sẽ được đầu tư cải thiện mạnh mẽ hơn trong năm 2020 với chỉ số cân bằng đạt 52%, tăng cao so với mức 43,1% của năm 2019.

 

Ðáng chú ý, bình quân kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của toàn hệ thống các TCTD ước tính ở mức 20,13%, cao hơn đáng kể so với mức bình quân kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra cùng kỳ năm trước (16,35%) và cao hơn mức kỳ vọng 18,86% của các TCTD tại cuộc điều tra tháng 9-2019. Dự kiến đến cuối năm 2020, 98% số TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2019, 2% số TCTD kỳ vọng không đổi. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,92% trong năm 2020.

 

Có thể nói, những kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận của các TCTD không phải là không có cơ sở khi năm 2019, nhiều ngân hàng thương mại đã có sự bứt phá trong kết quả kinh doanh. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục bảo vệ thành công “ngôi quán quân” khi chính thức cán mốc lợi nhuận xấp xỉ một tỷ USD. Cụ thể, năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 23.175 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018 và vượt gần 13% kế hoạch đề ra. Cùng với Vietcombank, năm 2019 cũng là năm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó, tổng lợi nhuận kinh doanh năm 2019 của ngân hàng đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, vượt 1.000 tỷ đồng so kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có mức lợi nhuận riêng lẻ 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2018 và vượt 26% kế hoạch năm.

 

Có thể thấy, sự tăng trưởng bứt phá về lợi nhuận năm 2019 đang mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh của các TCTD trong năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, được các tổ chức trong nước và nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao, nhất là sự thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Mặc dù Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, nhưng nền kinh tế được kỳ vọng vẫn tiếp tục sáng hơn và tăng trưởng khá trong năm 2020. Ðây cũng chính là nền tảng vững chắc cho triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2020.

 

Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel 2. Ðồng thời, ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chương trình “sáu hóa”: Tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, tối ưu hóa, tự động hóa, cá thể hóa trách nhiệm và hợp tác hóa. Chương trình này đã được thể chế trong chỉ đạo, điều hành, góp phần thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử của từng cán bộ trong những công việc hằng ngày.

 

Theo Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang