Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:36:33 GMT+7

Tin đăng lúc 09-12-2022

Lượt xem: 486

Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam

11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỉ USD. Trong thời gian qua, kinh tế thương mại giữa Việt Nam và hai nền kinh tế lớn này không ngừng phát triển.
Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam
Kiểm tra hàng hóa trước khi đóng gói XK sang thị trường Mỹ. Ảnh: Vũ Long

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam

 

Theo TS Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả của hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc không chỉ thể hiện ở con số nguồn vốn đầu tư, mà còn thể hiện ở con số kim ngạch XNK.

 

“Kế tục thành quả của nhiều năm xây dựng quan hệ thương mại, trong 11 tháng năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỉ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỉ USD” - TS Nguyễn Thị Hương khẳng định.

 

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao hợp tác thương mại của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, quan hệ thương mại với 2 nền kinh tế khổng lồ của thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đây chính là 2 thị trường lớn góp phần tạo lực đẩy để Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới trên 700 tỉ USD tổng giá trị kim ngạch XNK trong năm 2022 - là giá trị kim ngạch XNK cao nhất từ trước đến nay.

 

“Cả ở chiều xuất đi và nhập về, thị trường Mỹ và Trung Quốc tạo dòng chảy hài hòa, bền vững cho hàng hóa Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là địa chỉ cung cấp nguyên liệu, phụ liệu có mức giá phù hợp để Việt Nam chế biến, sản xuất hàng hóa không chỉ để tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ các đơn hàng XK. Mỹ là thị trường khổng lồ để dòng chảy hàng hóa của Việt Nam xuất đi luôn được khơi thông bởi sức tiêu thụ lớn từ “cầu” tiêu dùng của gần 338,9 triệu người tiêu dùng Mỹ” - ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JIC Việt Nam chia sẻ.

 

Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, mới đây, Việt Nam đã xuất đi lô quả bưởi đầu tiên sang thị trường Mỹ.

 

Như vậy, bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép XK sang thị trường này sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa, là kết quả của quá trình đàm phán bền bỉ của Bộ NNPTNT.

 

Thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho Việt Nam

 

Trong quan hệ thương mại, Trung Quốc là thị trường XK hàng hóa lớn của Việt Nam và cũng đóng vai trò là thị trường NK lớn nhất của nước ta. Trong 11 tháng năm 2022, tổng số lượng hàng hóa, nguyên liệu mà Việt Nam NK từ Trung Quốc có giá trị khoảng 109,9 tỉ USD.

 

Hàng hóa NK từ Trung Quốc ngoài nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các loại máy móc, phụ tùng, thì Việt Nam cũng NK nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, trong đó có nguyên liệu cho ngành dệt may, da, giày, bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày….

 

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn, hùng mạnh cả về sản xuất, nguyên liệu và tiêu thụ.

 

“Rất nhiều nguyên liệu, phụ phẩm, phụ liệu các ngành sản xuất của Việt Nam đều phụ thuộc vào Trung Quốc và thời gian vừa qua Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID” đã đẩy giá cả thành phẩm của Việt Nam lên rất cao; khi Trung Quốc đóng cửa các ngành nghề sản xuất phụ thuộc vào quốc gia này đều lao đao.

 

Việt Nam có những vùng sản phẩm thô rất tốt nhưng lại phụ thuộc quá lớn vào các sản phẩm phụ tưởng như “nhỏ bé” nhưng rất quan trọng. Cụ thể như, chai lọ nhựa/thủy tinh có thể làm ở Việt Nam nhưng nắp, vòi đều sản xuất tại Trung Quốc” - bà Hằng nói.

 

* Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu: Chúng tôi vừa XK lô bưởi đầu tiên sang Mỹ. Lô hàng đầu tiên chúng tôi đi cả bằng đường hàng không và đường biển. Mặc dù giá hàng không cao nhưng khi hàng sang đến nơi tín hiệu phản hồi về rất tốt, khách hàng bên đó đánh giá rất cao về chất lượng trái bưởi Việt Nam.

 

Để phát triển mạnh mẽ ở thị trường này, cần phải giữ được chất lượng hàng hóa, trái bưởi phải ngon và phải tiếp tục được cải thiện mẫu mã. Còn về giá cả, nếu vận chuyển bằng đường biển thì có thể cạnh tranh được và mang lại lợi ích cho người nông dân Việt Nam trong thời gian tới.

 

* PGS-TS Nguyễn Thường Lạng: Trung Quốc có nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và có chính sách thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả. Hàng hoá Trung Quốc phù hợp với trình độ công nghệ, sản xuất, lắp ráp của Việt Nam. Nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản là như nhau. So với các đối tác cung cấp nguồn hàng cho Việt Nam chưa có đối tác nào đủ năng lực như Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc có chiến lược thâm nhập sâu vào Việt Nam cho nên quốc gia này có quy mô XK lớn nhất trong số các nước XK vào Việt Nam. Chủng loại hàng đa dạng, giá thấp. Do đó, nếu NK nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất và gia công XK cũng có lãi.

 

Theo laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang