Thứ Sáu, 29/03/2024 15:11:44 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2015

Lượt xem: 4965

Trung tâm KC & TVPTCN Hà Nam: Trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn

Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác khuyến công ở địa phương, song, được sự hỗ trợ cũng như chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, UBND, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan cùng với sự phấn đấu vượt lên mọi khó khăn của CB,CC,VC Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Hà Nam (Trung tâm), nên hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trung tâm KC & TVPTCN Hà Nam: Trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn
Tham gia Hội chợ hàng công nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2015

Trong thời gian qua, hoạt động khuyến công mặc dù đã khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) nhưng trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khuyến công còn thiếu thốn; Nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở CNNT. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công còn mỏng, đa số là kiêm nhiệm; chưa có hệ thống cộng tác viên cấp huyện, xã; chưa có điểm tư vấn khuyến công, nên việc tư vấn hướng dẫn các đơn vị tham gia đăng ký đề án khuyến công gặp nhiều khó khăn. Lực lượng mỏng và không chuyên trách cộng với nội dung tuyên truyền chưa phong phú, chưa có sự hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan TW dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động khuyến công tuy được triển khai đều đặn, sâu rộng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Không chỉ vậy, đa số các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ở địa phương quy mô sản xuất nhỏ, nguồn tài chính eo hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ nên sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng cũng như thời gian giao hàng. Đặc biệt là trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cơ sở này còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường, do vậy chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp.

 

Trước thực trạng đó, Trung tâm đã lựa chọn cho mình hướng đi mới có chiều sâu hơn, đó là: Phối hợp với các cơ quan truyền thông của TW và địa phương xây dựng, tuyên truyền và đưa tin về các hoạt động khuyến công. Phát triển trang tin thương mại điện tử, cập nhật thường xuyên, liên tục các tin tức, chính sách mới, đồng thời tuyên truyền quảng bá và giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, của các doanh nghiệp, làng nghề. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT, đồng thời, huy động nguồn vốn của Nhà nước để triển khai các chương trình, dự án đem lại hiệu quả nhất.

 

Nhờ vậy, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện dự án hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp cho 620 lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Appatex, Công ty TNHH may Galaxy Việt Nam, ... với tổng số tiền hỗ trợ là 1,24 tỷ đồng. Sau khóa đào tạo, 100% học viên tham gia có nhu cầu việc làm, được ký hợp đồng lao động trực tiếp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề với mức thu nhập ổn định. Dự án không chỉ thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố kiếm việc, tạo lực lượng lao động cung ứng cho các cơ sở CNNT, mà còn khai thác và phát huy được tiềm năng lao động sáng tạo trong nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), các làng nghề, thúc đẩy sản xuất TTCN ngày càng phát triển.

 

 

Hội nghị xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật gốm son Quyết Thành

 

Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm cũng đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ các cơ sở CNNT như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất tại các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh với mức kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm sơn đốt bằng lò ga tại HTX gốm Quyết Thành, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với số tiền 250 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ trên mà các cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, mua sắm mới một số thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất, từ đó giảm được chi phí, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, giảm thiểu khí thải góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động khuyến công, Trung tâm còn tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu cho các cơ sở CNNT, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển trên thị trường. Năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia thành công một số hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ TM Du lịch – Festival Bắc Ninh, Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc, Hội chợ Công Thương đồng bằng sông Hồng... Thông qua các Hội chợ, các đơn vị tham gia có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đồng thời, tạo được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa Việt và trên hết là đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

Đặc biệt, trong năm 2014 Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo Sở Công Thương tổ chức bình xét được 25/33 sản phẩm đoạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm được tỉnh Hà Nam gửi đi thi cấp khu vực thì 3 sản phẩm đã đoạt giải thưởng gồm: Ga trải giường, bánh đa nem và cặp phao cứu sinh. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh công nhận 13 làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh.

 

Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2015 và các năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động khuyến công, trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động, tập trung vào đào tạo nghề may công nghiệp, thêu ren, gỗ mỹ nghệ...; Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác khuyến công và đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp; Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn để các đề án được triển khai có hiệu quả;...

 

Với những kết quả đạt được trong công tác khuyến công năm 2014, chắc chắn trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả cao hơn, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, hướng tới mục tiêu sản xuất công nghiệp bền vững.

 

Bùi Mạnh Hà

Giám đốc Trung tâm KC&XTTM Hà Nam


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang