Thứ Năm, 18/04/2024 21:15:37 GMT+7

Tin đăng lúc 18-08-2015

Lượt xem: 3867

Trung tâm KC và TVPTCN Bắc Ninh: Góp phần vào sự phát triển các doanh nghiệp và hướng tới chương trình mỗi xã một làng nghề

Từ khi thành lập 2004 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh đã không chỉ làm “tròn vai” đưa chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp vào cuộc sống, đồng thời là bà đỡ mát tay cho sự thành công của nhiều đề án phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như khôi phục phát triển và nhân cấy nhiều làng nghề tại địa phương.
Trung tâm KC và TVPTCN Bắc Ninh: Góp phần vào sự phát triển các doanh nghiệp và hướng tới chương trình mỗi xã một làng nghề
Ảnh minh họa

Thành tựu lớn nhất mà Bắc Ninh gặt hái được những năm gần đây là phát triển nhanh chóng của công nghiệp, đang đi những bước tiếp theo trên chặng đường trở thành tỉnh công nghiệp. Là Tỉnh có nhiều làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vì thế công nghiệp nông thôn là một nguồn lực to lớn đối với Bắc Ninh.

 

Triển khai sâu, rộng, hiệu quả cao

 

Trong 10 năm từ 2004 – 2014, tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công tại Bắc Ninh là 29,290 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia: 12.879 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 16,411 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu vốn dành cho hoạt động khuyến công nói trên đã phần nào cho thấy nhận thức đúng đắn của địa phương với việc khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

 

Từ những thành quả đạt được của 10 năm qua, năm 2015, các chương trình khuyến công được Trung tâm triển khai toàn diện, tập trung vào nội dung: Khởi sự doanh nghiệp, khảo sát, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, tổ chức hội thảo, hội nghị, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cung cấp thông tin, hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp, nâng cao năng lực quản lý… Từ hỗ trợ của các chương trình khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh đã mở rộng kinh doanh đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Ngoài ra, với những hỗ trợ tích cực từ công tác khuyến công, Bắc Ninh đã tạo ra những chuyển biền tích cực trong hình thức kinh doanh tại đây (từ hộ sản xuất chuyển sang cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã); nhiều cơ sở mở rộng kinh doanh đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho xuất khẩu…

 

Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Cáp Thiên Thành KCN Tiên Sơn (Ảnh tư liệu)

 

Từ một tỉnh thuần nông, công nghiệp hầu như chưa phát triển, đến nay, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô công nghiệp lớn thứ 5 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc. Bắc Ninh trở thành mảnh đất vàng với các nhà đầu tư. Công nghiệp Bắc Ninh phát triển nhanh, mạnh, đồng đều ở hầu hết các lĩnh vực. Trong những thành tựu này có sự đóng góp đáng kể của hoạt động khuyến công.

 

Đào tạo nguồn nhân lực cho CNH và hướng tới mỗi xã có một làng nghề

 

Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề tại Bắc Ninh được Trung tâm triển khai chủ yếu bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (thời gian 03 tháng) theo địa chỉ, gắn với các cơ sở sản xuất với các nghề: May công nghiệp, cơ khí, điện, điện tử, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, thêu tranh..., doanh nghiệp là người tuyển lao động và bao tiêu sản phẩm. 10 năm (từ 2004 -2014), Khuyến công Bắc Ninh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 15.660 lao động. Sau các khóa học trên 84,3% học viên làm việc tại các DN, số còn lại làm việc tại hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân  từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người /tháng.

 

Với lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào (nhất là lao động nữ), Bắc Ninh có nhiều điều kiện cho nghề may công nghiệp phát triển mạnh. Trong vai trò “bà đỡ”, Trung tâm KC&TVPTCN Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ phát triển nghề may công nghiệp tại các địa phương, như: Xã Hoài Thượng (huyện Thuận Thành); xã Minh Tân (thị trấn Thứa - Lương Tài); xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du). Đến nay, nghề may công nghiệp đã ngày càng phát triển, tạo ra việc làm cho nhiều lao động nông thôn và thay đổi đáng kể tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương. 

 

Khuyến công Bắc Ninh còn góp phần khôi phục và tôn vinh các làng nghề truyền thống. Nhờ kinh phí khuyến công, nhiều cơ sở đã mở rộng nhà xưởng, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bắc Ninh đã tạo dựng được một đội ngũ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh tích cực về quy trình sản xuất, marketing cho doanh nghiệp.

 

Năm 2015 và các năm tiếp theo, Bắc Ninh phấn đấu dành từ 5 – 8 tỷ đồng/năm cho hoạt động khuyến công, tập trung vào đào tạo nghề cho khoảng 2.000 - 3.000 lao động/năm, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Trong đó, Khuyến công Bắc Ninh sẽ đặc biệt ưu tiên hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ như: điện, điện tử; cơ khí; nhựa và hướng tới mỗi xã có một làng nghề./.

 

Thanh Bình


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang