Thứ Sáu, 19/04/2024 06:04:22 GMT+7

Tin đăng lúc 21-11-2018

Lượt xem: 17796

Trung tâm Khuyến công & TKNL Thanh Hóa: Thành quả và giải pháp

Vượt qua mọi trở ngại và khó khăn, ngành Công Thương Thanh Hóa vẫn tăng trưởng cao bình quân cả nước, trong đó SXCN và xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong đó, 9 tháng năm 2018 Thanh Hóa đứng thứ hai cả nước về tăng trưởng (sau Hà Tĩnh) với 9 sản phẩm công nghiệp mới.
Trung tâm Khuyến công & TKNL Thanh Hóa: Thành quả và giải pháp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thăm, làm việc với tỉnh và ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Đạt được những thành quả đó là do sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương trong tỉnh, trong đó Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (KC&TKNL) có vai trò then chốt, quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp tại địa phương phát triển.

 

Từ đầu năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ ở chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm KC&TKNL đã triển khai thực hiện 39 đề án hỗ trợ. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, đã triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ như: Chương trình khuyến công quốc gia đã ký hợp đồng với Cục Công Thương địa phương 5 đề án, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018-2020 (năm 2018 sẽ thực hiện hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến lâm sản cho 6 đơn vị); hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm CN-TTCN cho 4 đơn vị. Đối với chương trình khuyến công địa phương, Trung tâm đã thực hiện các chương trình: Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm CN-TTCN cho 10 đơn vị; xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm CN-TTCN, mô hình cơ sở sản xuất, kinh doanh điển hình…

 

Bên cạnh đó, Trung tâm KC&TKNL tỉnh đã chú trọng, đẩy mạnh thực hiện nhiều đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ kinh phí cho Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đầu tư dây chuyền máy cưa bán tự động panel nhằm nâng cao công suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp xử lý được gỗ có kích thước dài, độ chính xác cao, độ nét của sản phẩm tốt hơn và nâng cao năng suất gấp 3 lần so với hoạt động của các loại máy cưa thông thường. Đồng thời, hỗ trợ Công ty Sản xuất và Xuất khẩu Hoàng Long, Cụm Công nghiệp thị trấn Nga Sơn – đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng nguyên liệu cói, bèo tây để xây dựng thành công lò sấy Harichson. Được đầu tư lò sấy, khâu làm khô nguyên liệu được bảo đảm, không có tình trạng ẩm mốc, điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Gần đây, Trung tâm còn hỗ trợ cho Công ty CP Phân bón Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) dây chuyền máy móc thiết bị cân điện tử và hệ thống định lượng. Nhờ các thành phần được sử dụng trong quá trình sản xuất chính xác cao, giúp các sản phẩm phân bón hữu cơ của Công ty luôn bảo đảm chất lượng, các chất dinh dưỡng luôn được cân bằng. Hỗ trợ kinh phí cho Công ty TNHH Xuân Trường, xã Quý Lộc (Yên Định) để đổi mới máy mài bong Xi-in-xi, công nghệ của Italia. Trước đây Công ty sử dụng công nghệ mài đá của Việt Nam, công suất chỉ đạt 35 m2/ngày, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng từ khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí, Công ty đã có điều kiện đầu tư được máy mài đá với công nghệ hiện đại, công suất đạt tới 300 m2/ngày, tương đương với 20 công nhân mài thủ công và cao gấp hơn 8 lần so với trước đây. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường và quy mô sản xuất, kinh doanh.

 

Song song với công tác đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, Trung tâm KC&TKNL tỉnh cũng đã hướng dẫn nhiều doanh nghiệp áp dụng và xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giảm thiểu sức lao động cũng như nguồn điện năng trong quá trình hoạt động. Vì vậy, Trung tâm đang tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối cung cầu…

 

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, Trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ như: Kinh phí hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, do đó chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; Công tác khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và khả năng xây dựng, lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi còn ít về số lượng và chưa có kế hoạch hỗ trợ đồng bộ, chuyển tiếp và nhân rộng sau khi thực hiện các đề án; Quy mô các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn tỉnh phần lớn là vừa và nhỏ, chậm đổi mới ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, phương thức sản xuất, kinh doanh nên không thể dành kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp…

 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và phát huy tối đa vai trò thúc dẩy đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, Trung tâm KC&TKNL đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc cụ thể hóa các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được đẩy mạnh, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới, ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ, từ đó tạo động lực cho ngành CN-TTCN trong tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, giữ vững thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, gắn két mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các hoạt động của Trung tâm nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết của các doanh nghiệp và có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp phát triển sản xuất ổn định. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong việc hỗ trợ phát triển CN-TTCN.

 

Với phương pháp đúng và cách làm thiết thực, hiệu quả, có thể khẳng định, Trung tâm KC&TKNL đã thực sự là động lực thúc đẩy SXCN, TTCN phát triển, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH của địa phương. Tin rằng trong thời gian tới, Trung tâm KC&TKNL Thanh Hóa sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang