Thứ Sáu, 29/03/2024 17:27:13 GMT+7

Tin đăng lúc 30-09-2015

Lượt xem: 5868

Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung: Nỗ lực nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực đa dạng của ngành điện

Nằm trong hệ thống các Trường đào tạo thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung đóng trên địa bàn Tp Hội An, tỉnh Quảng Nam, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và thấp hơn về chuyên ngành Điện lực và các ngành nghề khác, những năm gần đây Trường luôn đối mặt với những khó khăn thách thức trong công tác tuyển sinh theo cơ chế mới...
Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung: Nỗ lực nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực đa dạng của ngành điện
Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung

Bằng những giải pháp sáng tạo và nỗ lực vượt bậc của đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức, Nhà trường đã chú trọng nâng chất lượng đào tạo, lấy chất lượng đào tạo làm ưu thế bảo đảm đầu ra và đã trở thành địa chỉ tin cậy cho sự chọn lựa của sinh viên.

 

Trước  thềm năm học mới 2015-2016, PV Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Bản - Hiệu trưởng Nhà trường, về những định hướng được triển khai để tiếp tục nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực đa dạng của ngành điện miền Trung.

 

PV: Xin ông cho biết những thành tựu cơ bản mà Nhà trường đã đạt được trong năm học 2014-2015 và những thách thức phải vượt qua trong mùa tuyển sinh năm nay 2015-2016?

 

Ông Nguyễn Xuân Bản: Là Trường công lập thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính. Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên Nhà trường triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế";

 

Trong tình hình khó khăn chung về công tác tuyển sinh, Nhà trường đã lấy chất lượng bù số lượng, tích cực đầu tư trang thiết bị dạy và học hiện đại, áp dụng các mô hình đào tạo linh hoạt, thích nghi với cơ chế thị trường lao động ngành điện, bám sát cơ sở, gắn nội dung đào tạo sát với yêu cầu sản xuất điện, phát triển và vận hành lưới điện trên nhiều địa bàn.

 

Điểm mới đặc trưng  trong năm học  này, Nhà trường đã triển khai hình thức đào tạo tín chỉ cho hệ cao đẳng chính quy, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và mở rộng một số ngành nghề mới đáp ứng cho triển khai thí điểm các Dự án  lưới điện thông minh toàn khu vực.

 

Tổng số HSSV dài hạn nhập học năm 2014-2015 là gần 800 người. Trong đó, hệ cao đẳng trên 600 chỉ tiêu, hệ trung cấp chuyên nghiệp gần 150 chỉ tiêu. Tuy không đạt số lượng so với niên khóa trước, nhưng nhờ tích cực bám sát các nhu cầu đào tạo tại chỗ, Trường đã tổ chức được hơn 1000 lượt đào tạo bồi dưỡng tập trung, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị hoạt động điện lực.

 

Nhờ áp dụng các phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động trên mô hình thực tế sát với quy mô lưới điện địa phương, đồng thời triển khai sự quản lý chặt chẽ HSSV thông qua các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường nên chất lượng đào tạo năm học qua có nhiều tiến bộ đáng kể: Tỷ lệ HSSV tốt nghiệp loại giỏi so với HSSV tốt nghiệp hệ Cao đẳng đạt 5,4% vượt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra. Đối với hệ Trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ HSSV đạt khá là 43,4%, vượt 14% so với kế hoạch đào tạo.

 

Các trường hợp HSSV thiếu điểm, không đạt yêu cầu qua các đợt kiểm tra đều được Nhà trường cho đăng ký học lại, học cải thiện cho từng môn, không để xảy ra các trường hợp không đạt điểm trung bình đến cuối khóa học.

 

Bước vào mùa tuyển sinh năm nay 2015-2016, ngoài các khó khăn chung của các trường cao đẳng, dạy nghề, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung còn có những khó khăn đặc thù như: Sự bão hòa về nguồn nhân lực trong các đơn vị ngành điện khu vực, công tác tài chính phải tự cân đối, nhu cầu lớn về đầu tư trang thiết bị  mới… Tuy nhiên, Nhà trường đã lường trước diễn biến bất lợi này và đã có những giải pháp tình thế, vượt qua những thách thức hiện nay để bảo đảm chất lượng đào tạo theo yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trong ngành điện miền Trung.

 

 

Ông Nguyễn Xuân Bản - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung

 

PV: Để vượt qua những thách thức đó, những biện pháp căn cơ nào đã được triển khai trong niên khóa mới này, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Bản: Trong năm học 2015-2016, Nhà trường đang triển khai đồng bộ, tổng lực nhiều giải pháp từ nội dung, chương trình đến tổ chức bồi dưỡng kiến thức mới chuyên ngành điện cho đội ngũ giáo viên, đồng thời hiệu chỉnh chương trình hệ cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử -truyền thông và hệ TCCN ngành hệ thống điện. Chương trình được hiệu chỉnh theo hướng giảm lý thuyết, tăng mạnh thực hành, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn lao động và sự lựa chọn của sinh viên. Riêng ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có các chuyên ngành: Hệ thống điện, tự động hóa, điện dân dụng, điện công nghiệp.

 

Các khoa đã tiến hành biên soạn chương trình chi tiết môn học, đến nay các môn học triển khai giảng dạy năm học 2015-2016 đã áp dụng thực hiện.

 

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên được chú trọng. Sự thay đổi công nghệ sản xuất và kinh doanh điện năng đòi hỏi CBVC Nhà trường phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, chuyên môn hóa.

 

Nhà trường đã có kế hoạch tổ chức nhiều lớp, nhiều khóa tại trường và ngoài trường, nhiều chuyên đề về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều giảng viên tham gia, mời  báo cáo viên có trình độ, nghiệp vụ cao về báo cáo, hoặc cán bộ nhà trường, giảng viên của các khoa tự nghiên cứu và trao đổi, đề xuất thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực năng lượng: điện gió, điện mặt trời. Tham gia các lớp bồi dưỡng về điện hạt nhân tại Nhật Bản và Hungary, cử cán bộ, giáo viên tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn do EVN, các Bộ, ngành liên quan và Nhà trường tổ chức. Đồng thời, cử giáo viên tham gia Hội giảng và làm các thiết bị phục vụ dạy và học.

 

Tổng số CBVC Nhà trường đến thời điểm hiện tại là 121 người, trong đó giảng viên cơ hữu là 84 người, giảng viên kiêm nhiệm 12 người. Về trình độ toàn trường có 63 nguời trình độ Thạc sỹ, 37 người có trình độ đại học, cao đẳng thuộc nhiều ngành: Hệ thống điện; Điện tử - Truyền thông; Công nghệ thông tin; Quản trị kinh doanh; Kế toán; Tài chính ngân hàng, 100% giảng viên đạt chuẩn trở lên.

 

Có thể nói, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung đã sẵn sàng đón HSSV bước vào năm học mới với sự chuẩn bị chu đáo về nội dung chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trang bị tiên tiến. Hệ thống trường lớp, Khu nội trú, Căng tin phục vụ ăn ở cho HSSV, nhà khách cho phụ huynh được đầu tư nâng cấp khang trang. Công cụ giáo dục trực quan như phòng thí nghiệm, bãi thực tập, mô hình, hiện trường lưới điện được xây dựng sát với thực tế để HSSV thực tập, nâng cao tay nghề.

 

Chúng tôi cho rằng, những nỗ lực của thầy và trò Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung trở thành những xung lực cần thiết, giúp vượt qua khó khăn trong mùa tuyển sinh năm nay đảm bảo thắng lợi trong năm học 2015-2016.

 

PV: Được biết Nhà trường luôn lấy HSSV làm trọng tâm, kết quả đầu ra chính là hiệu quả công tác đào tạo. Trong năm học  2015-2016, những đầu tư nào mang tính chất đột phá để bảo đảm cho đầu ra cho HSSV?

 

Ông Nguyễn Xuân Bản: Hướng về HSSV để phấn đấu, thực hiện tốt công tác đào tạo là định hướng thường xuyên của Nhà trường. Trong năm học này, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động điện lực để bảo đảm đầu ra cho HSSV.

 

Trên cơ sở thực trạng về kết quả tốt nghiệp, kết quả học tập năm học 2014-2015, chỉ tiêu về chất lượng đào tạo năm học 2015-2016, Nhà trường phấn đấu đạt kết quả tốt nghiệp: Tỷ lệ loại giỏi đạt trên 3%, loại khá đạt trên 30% so với số lượng tốt nghiệp. Tỷ lệ số lượng HSSV tốt nghiệp trên HSSV đầu khóa học đạt 80%. Tỷ lệ số lượng HSSV tốt nghiệp trên HSSV đầu năm học cuối đạt 95%.

 

Hồ sơ về kết quả học tập của HSSV tốt nghiệp sẽ được chuyển thẳng đến đơn vị, hoặc giới thiệu cho các Tập đoàn, Công ty đối tác để tham khảo chọn lựa tiếp nhận khi rời khỏi nhà trường.

 

Ngoài ra, các chế độ ưu đãi đối với HSSV được quan tâm thực hiện chặt chẽ như: Học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến học, chế độ miễn, giảm học phí đối với HSSV đúng theo quy định hiện hành. Tạo điều kiện liên hệ với Ngân hàng cho HSSV vay vốn theo quy định của Nhà nước. Thường xuyên liên hệ với các cơ quan, tổ chức tìm nguồn học bổng đối với HSSV nghèo vượt khó để các em an tâm học tập rèn luyện tại Trường.

 

Tăng cường trao đổi thông tin với các trường đối tác, chọn lọc và cung cấp các thông tin về học bổng sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) đến các đơn vị trong Trường; nâng cao hiệu quả tuyển chọn sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc gia Anan Nhật Bản; tìm kiếm và gửi thông tin về hợp tác với một số cơ sở đào tạo nước ngoài.

 

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến về nhận thức đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong HSSV gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị trong Nhà trường.

 

PV: Xin cám ơn ông!

 

                                                                                      Văn Thuận 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang