Thứ Bẩy, 20/04/2024 00:32:49 GMT+7

Tin đăng lúc 04-06-2015

Lượt xem: 11817

Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam: Nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có uy tín cho ngành Than và xã hội

Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1304/QĐ-LĐTBXH ngày 09/10/2014 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm, Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hữu Nghị và Trường Cao đẳng nghề CN Việt Bắc, là một trường đào tạo nghề công lập với nhiệm vụ quan trọng là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói riêng và ngành Than nói chung.
Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam: Nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có uy tín cho ngành Than và xã hội

Đồng chí Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng trao Quyết định thành lập trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam

 

Trở ngại lớn nhất đối với Nhà trường trong những năm qua đó là công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động của ngành Than là nặng nhọc, môi trường độc hại, bên cạnh đó hệ thống các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp ngày càng nhiều, cơ chế tuyển sinh của một số trường đại học nới lỏng hơn, điểm chuẩn hạ thấp hơn nên học sinh không mấy mặn mà với những trường đào tạo nghề. Hiện nay, người học nghề mỏ chủ yếu là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, hầu hết đều có trình độ văn hóa THCS, vì vậy thời gian học kéo dài dẫn đến người học rất ngại học văn hóa, dễ bỏ học, gây lãnh phí cho doanh nghiệp và khó khăn cho Nhà trường trong công tác tuyển sinh đào tạo. Với  lượng học sinh giảm mạnh trong khi các chi phí khác như: Tiền lương, vật tư... các năm qua tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, thu nhập của cán bộ, giáo viên và các hoạt động chung của Nhà trường.

 

Trước thực trạng trên, Nhà trường đã triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó, đặc biệt tập trung vào công tác đào tạo, tuyển sinh. Hàng năm, Nhà trường giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các đơn vị, cá nhân gắn với đơn giá tiền lương và thu nhập. Tăng cường nhân lực, cơ chế chính sách, tiền lương cho công tác tuyển sinh, phân công các Phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách công tác tuyển sinh, đồng thời, Đảng ủy và Công đoàn cũng chung tay, trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh. Mở rộng và hoàn thiện mạng lưới tuyển sinh tới các thôn, xã; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho công tác tuyển sinh như tổ chức tư vấn mùa thi tại các địa phương, trực tiếp đến tư vấn tuyển sinh tại các trường PTCS, THPH và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng ...

 

Điểm nổi bật của công tác tuyển sinh là Nhà trường thường xuyên kết hợp với các Công ty than thuộc Tập đoàn TKV tổ chức tuyển dụng lao động nghề khai thác mỏ hệ Trung cấp nghề (TCN). Qua đó, các học viên trước khi vào học sẽ được doanh nghiệp ký kết hợp đồng tuyển dụng chưa qua đào tạo để cho đi học nghề. Tốt nghiệp ra trường được cấp bằng TCN và được biên chế vào làm việc tại các Công ty thuộc Tập đoàn TKV với mức lương khá và ổn định cùng với các chế độ ưu đãi nhất của công ty, được xét tuyển học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc đại học. Đây được xem như một cách làm táo bạo, thể hiện trách nhiệm của Nhà trường về việc đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra cho HSSV, đồng thời khẳng định việc đào tạo tại Nhà trường là thực chất, đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ không phải đào tạo đại trà, chạy theo bằng cấp.

 

Đối với công tác đào tạo, hiện Trường đang mở các lớp bồi dưỡng nghề cho 34 ngành nghề khác nhau. Với việc xây dựng, bổ sung chương trình, giáo án đào tạo luôn bám sát nhu cầu thực tiễn của sản xuất, áp dụng phương pháp giảng dạy mới, đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào giảng dạy như sử dụng máy tính, giáo án điện tử, máy chiếu..., đồng thời kết hợp cho học sinh thực tập tại xưởng của Trường và thực tập có hưởng lương tại các công trường, nhà máy của các doanh nghiệp để học sinh sinh viên (HSSV) được tiếp cận làm quen với thực tế sản xuất, rèn luyện, nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn được giữ vững và nâng cao. Năm học 2014, Tỷ lệ HSSV tốt nghiệp đạt 98%, trong đó, tỷ lệ khá giỏi trở lên chiếm 95,3%. Đa số HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm với mức thu nhập ổn định và được doanh nghiệp đánh giá cao.

 

Giáo viên thực hiện kỹ năng thi công vì neo chất dẻo cốt thép

 

Nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) có năng lực, có tâm huyết với nghề. Hàng năm, Trường đều cử giáo viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ về mọi mặt tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh phong trào dạy tốt - học tốt, khuyến khích đội ngũ CBGV nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tự làm ra đồ dùng dạy học nhằm bổ sung, tăng cường trang thiết bị giảng dạy của Trường. Bên cạnh đó, luôn có những chính sách đãi ngộ tốt, quan tâm động viên kịp thời đến người lao động nhằm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CBGV, NV. Đội ngũ CBGV luôn được quan tâm, bồi dưỡng nên hiện nay 100% giáo viên của Trường có trình độ nghiệp vụ sư phạm nghề, trong đó, trình độ trên đại học chiếm 14%, trình độ ĐH, cao đẳng chiếm 52.5%. Để nâng cao chất lượng dạy và học, Nhà trường đã và đang hợp tác liên kết với 18 trường đại học trong cả nước như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Thái Nguyên... để tuyển sinh và đào tạo bậc ĐH cho đội ngũ CBCN của ngành Than và đáp ứng nhu cầu của người học các tỉnh khu vực phía Bắc. Đồng thời, dành trên 300 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ như: Thiết bị nghề điện lò, nghề khai thác mỏ, xe tập lái, nhà xưởng... góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển đào tạo của Nhà trường.

 

Ghi nhận những đóng góp của CB, GV, NV và học sinh Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam trong sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Than nói riêng và đất nước nói chung, trong 55 năm qua, Đảng và Nhà nước trao tặng Nhà trường nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, cùng rất nhiều cờ thi đua, bằng khen của các cấp, các ngành cho tập thể và các cá nhân…

 

Phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tới, Nhà trường đang phấn đấu mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, trở thành điểm đến tin cậy đối với học sinh các nghề mỏ, hầm lò, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà máy và các cơ sở sản xuất trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Than, góp phần bổ sung một lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH.

 

Hoàng Lợi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang