Thứ Năm, 28/03/2024 23:28:00 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2014

Lượt xem: 5397

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì: Môi trường giáo dục đào tạo tiên tiến, thân thiện

Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo thực sự có hiệu quả, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động TB & XH cũng như các cơ quan hữu quan, cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đã và đang ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chủ động mở rộng ngành nghề và qui mô đào tạo, liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng giáo trình, nội dung đào tạo.
Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì: Môi trường giáo dục đào tạo tiên tiến, thân thiện

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệu trưởng Nhà trường và đối tác nước ngoài tại Lễ công bố quyết định thành lập

Văn phòng đại diện hợp tác đào tạo

 

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì - đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 20/01/2011 tại Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Hóa chất. Mặc dù, đóng trên địa bàn miền núi xa các trung tâm kinh tế, văn hoá xã hội, khó khăn trong việc đi lại, kinh tế địa phương phát triển chưa mạnh, mặt khác số lượng và chỉ tiêu tuyển sinh các trường cao đẳng, đại học tăng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chỉ tiêu, chất lượng công tác tuyển sinh của Nhà trường. Song, Nhà trường đã tích cực chủ động trong công tác tuyên truyền tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ tốt nhất cho năm học 2014 – 2015, trong đó, đã cử cán bộ, giáo viên chủ động đến các trường THPT trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền trực tiếp, đồng thời thông báo rộng rãi các thông tin tuyển sinh trên Website của Nhà trường; đăng thông tin tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

 Không chỉ khó khăn trong công tác tuyển sinh, mà công tác tài chính cũng là một trở ngại lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế chính sách và chế độ chi tiêu trong năm 2014. Sáu tháng đầu năm, chế độ tiền lương và giá cả đầu vào tăng cao nhưng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp không tăng so với năm 2013, trong khi đó vẫn phải dành 10% tiết kiệm chi phí ngân sách không thường xuyên. Ngoài ra, các đơn vị còn phải chi trả tiền lương cho các đối tượng biên chế tự đảm bảo và phải tiết kiệm chi không thường xuyên để có nguồn bổ sung cho đầu tư cơ sở vật chất. Không có nguồn để chi thu nhập tăng thêm, đời sống cán bộ, CNV thấp, ảnh hướng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường, việc tuyển dụng thu hút nhân tài gặp nhiều khó khăn.

 

 Hiện nay, tổng số cán bộ giảng viên của Nhà trường là 369 người, trong đó cơ hữu là 345, giảng viên thỉnh giảng là 28. Đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường có 44 người có trình độ tiến sỹ (trong đó cơ hữu là 18, hợp đồng dài hạn là 06), 148 thạc sĩ (trong đó có 24 người đang làm nghiên cứu sinh), đang học cao học là 22 người. Ngoài ra, Nhà trường còn mời thêm 14 GS, PGS, TS ở các viện nghiên cứu, các trường đại học có uy tín tham gia giảng dạy... Nhà trường đang đào tạo: 10 ngành ở trình độ đại học (Ngành Công nghệ hóa học; ngành Hóa học (chuyên ngành KT phân tích), Công nghệ môi trường; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ thông tin; kế toán; Quản trị kinh doanh; Ngôn ngữ Anh; 11 ngành với 26 chuyên ngành khác nhau và đào tạo 8 ngành ở trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề. Nhà trường còn liên kết với 6 cơ sở đào tạo nước ngoài như: Đại học DongShin, Đại học Chodang (Hàn Quốc); Đại học CN Quảng Tây, Đại học Lâm Nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc); Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản; Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Kazan Liên bang Nga để nâng cao trình độ giảng dạy, tạo cơ hội cho sinh viên được đi du học với những suất học bổng toàn phần... Quan điểm của Nhà trường về công tác đào tạo là tập trung nâng cao chất lượng, vì chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển, vì vậy sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp về các cơ sở sản xuất làm việc được doanh nghiệp đánh giá rất cao năng lực làm việc và khả năng chuyên môn. Trong những năm qua, đã có hơn 20 doanh nghiệp trực tiếp kí hợp đồng với Nhà trường để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ với hơn 3.500 học sinh, sinh viên là cán bộ, công nhân kỹ thuật, đem lại nguồn thu cho Nhà trường gần 30 tỷ đồng.

 

 Để đạt được những kết quả trên, Nhà trường chú trọng các giải pháp: Giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật; Xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; Xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo và kiểm định chất lượng; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục... Trong đó, tăng cường đầu tư xây dựng chương trình đào tạo bài bản, có ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong các doanh nghiệp. Luôn lấy chất lượng đào tạo làm ưu tiên hàng đầu, đồng thời gắn liền đào tạo với thực tiễn sản xuất, nhằm đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp. Với chiến lược phát triển Trường trở thành trường đại học đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của khu vực và Bộ Công Thương, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực then chốt mà xã hội đang cần, như: công nghệ hóa học và hóa học; cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ thông tin… Đây chính là giải pháp mang tính quyết định đến quá trình phát triển và tồn tại của Nhà trường.

 

Khu Văn phòng Nhà trường

 

 Năm học 2013- 2014 là năm thứ hai Nhà trường chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hình thức đào tạo mà Nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc tập hợp HS-SV theo mô hình lớp truyền thống như đào tạo theo niên chế và việc tổ chức các hoạt động theo đơn vị lớp gặp nhiều khó khăn nên việc đánh giá kết quả rèn luyện của từng HS-SV sẽ có những trở ngại nhất định do các em không thường xuyên học tập và rèn luyện cùng nhau. Tuy nhiên, kết quả học tập của sinh viên khẳng định Nhà trường đã có những thành công bước đầu trong tiến trình đào tạo, khẳng định chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng của chương trình đào tạo và sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Giám hiệu Nhà trường. Kết quả đó được thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp (lần 1) của HS-SV hệ chính quy năm học 2013 - 2014: Tỷ lệ tốt nghiệp đại học: 99.45%; cao đẳng: 97,86%; cao đẳng nghề đạt 98,28%; trung cấp chuyên nghiệp đạt 92,86%.

 

   Do có thành tích xuất sắc trong Giáo dục và Đào tạo, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương tặng nhiều Huân chương Lao động, Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Trong thành tích chung đó, vai trò của thầy Hiệu trưởng -TS Quản Đình Khoa là rất quan trọng. Ông là một trong những giáo viên gắn bó lâu năm ở Trường, rồi kiên trì phấn đấu bền bỉ, nỗ lực vươn lên, trở thành một trong những lãnh đạo có tâm, có tầm nhất trong lịch sử hệ thống các trường đào tạo ngành Công Thương nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì nói riêng. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ chủ chốt của Trường cho biết, để Trường có được vị thế như hôm nay, công lớn thuộc về thầy Khoa. Thầy đưa ra các tiêu chí để xây dựng Chiến lược phát triển; hoàn thiện đội ngũ; xây dựng cơ sở vật chất; quan tâm chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục tiên tiến, thân thiện. Mỗi bước đi, mỗi giai đoạn phát triển, thầy Khoa là người đứng mũi, chịu sào, dám làm, dám chịu trách nhiệm chỉ với một cái tâm trong sáng là xây dựng hình ảnh và uy tín của Nhà trường, để thương hiệu Đại học Công nghiệp Việt Trì tỏa sáng, trở thành trung tâm giáo dục đào tạo lớn đa ngành, [c1] nghề, lĩnh vực ở khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Ý kiến nhận xét trên quả thật không quá, bởi ai có dịp đến Trường vào thời điểm này, cứ nhìn vào cơ ngơi bề thế, đồ sộ khang trang, cảnh quan sạch đẹp, cùng với một môi trường đào tạo không thể tốt hơn, đó là mối quan hệ giữa các thầy giáo, cô giáo thực sự bình đẳng, tôn trọng, chan hòa, trên dưới đồng thuận, mọi người yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, không có đơn thư, khiếu kiện; một môi trường đào tạo không chỉ giúp cho sinh viên học nghề, mà còn học làm người, để sau khi ra trường, các em trở thành những lao động giỏi, có ích cho xã hội.     

 

Trong thời gian tới, với mục tiêu trở thành một trường Đại học có uy tín, có chất lượng cao, Nhà trường đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Phấn đấu đến năm 2015 có 35 cán bộ giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sỹ, trên 70% cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sỹ trở lên, đào tạo khoảng 7.500 sinh viên. Đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có ít nhất 20% có trình độ tiến sỹ, đào tạo khoảng 10-12 nghìn sinh viên; Tập trung chủ yếu đầu tư trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm thực hành, đồng thời tập trung đầu tư cho các ngành truyền thống của nhà trường, đầu tư cho những ngành mà xã hội có nhu cầu, ưu tiên đầu tư một số thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu của cơ sở sản xuất; Phát triển quan hệ hợp tác với các trường, các viện nghiên cứu trong nước cũng như ngoài nước để học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; Xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học...

 

Xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp đã khó, để có được một đội ngũ giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, gắn bó với trường, đào tạo cho học sinh, sinh viên học nghề, học làm người lại càng khó hơn. Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đã làm được và đang tiếp tục tư duy, định hướng như vậy.

Như Trang


 [c1]


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang