Thứ Sáu, 29/03/2024 03:40:52 GMT+7

Tin đăng lúc 24-02-2018

Lượt xem: 3861

Từ chuyện '1 chiếc bánh cõng 13 giấy phép' đến việc cắt 90% thủ tục hành chính

“Với sự ra đời của Nghị định 15, câu “chuyện giấy phép con” trong lĩnh vực y tế sẽ chấm dứt, sẽ không còn tình trạng 1 chiếc bánh cõng 13 chiếc giấy phép con như trước đó”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Từ chuyện '1 chiếc bánh cõng 13 giấy phép' đến việc cắt 90% thủ tục hành chính
Hội nghị do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với một số ngành hàng tổ chức sáng 23/2 tại Hà Nội.

Món quà đầu năm cho cộng đồng doanh nghiệp

 

Trước khi Nghị định 15 có hiệu lực (từ ngày 2/2/2018), các quy định quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm 2010 được thực hiện theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, với vô số quy định rắc rối, Nghị định 38 ngay từ khi ra đời đã trở thành nỗi ám ảnh với không ít doanh nghiệp. Câu chuyện “1 chiếc bánh cõng 13 giấy phép” từ hệ quả những quy định của Nghị định 38 đã khiến cho câu hỏi bao giờ có Nghị định mới thay thế Nghị định 38 luôn trở thành sự đau đáu của doanh nghiệp.

 

Không phải đến khi Nghị định 15 chính thức được ký, các dự thảo gần chót của Nghị định này đã liên tục được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và kỳ vọng. Đó là điều rất hiếm có trong việc xây dựng pháp luật nói chung và văn bản dưới luật nói riêng ở Việt Nam.

 

Tại hội nghị phổ biến nội dung Nghị định 15 diễn ra tại Hà Nội ngày 23/2/2018, đã rất lâu hội trường của VCCI kín không còn một chỗ. Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Nghị định mới quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm này được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho DN song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.

 

Điểm mới đầu tiên trong Nghị định 15 là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế. Với quy định trên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính. Nếu làm được theo đúng tinh thần này thì có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng. Thậm chí theo một số chuyên gia, số tiền tiết kiệm được tổng thể có thể lên đến gần 10.000 tỷ đồng

 

Điểm mới tiếp theo của Nghị định là thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để bảo đảm an toàn thực phẩm, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như mở rộng đối tượng, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nghị định lần này cũng quy định cụ thể các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

 

Trong khi đó, ThS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và môi trường cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phân tích, Nghị định 15 thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có 3 điểm mới căn bản của Nghị định 15. Một là cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm trong khi sản phẩm, nguyên liệu chỉ dùng sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ được miễn thực hiện thủ tục tự công bố. Hai là giảm đang kể thời gian, thủ tục công bố. Ba là thay đổi căn bản trong kiểm soát về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu. “Có thể nói đây là sự thay đổi tư duy hết sức mạnh mẽ. Việc thay đổi này sẽ tạo dựng đáng kể cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế này nói.

 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI hào hứng  khẳng định: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn an toàn thực phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính nhưng sẽ nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng lên 100%. “Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đây chính là món quá có ý nghĩa đầu tiên cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

 

Phân định rạch ròi trách nhiệm quản lý

 

Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm trước đây chính là một “giấy phép con” trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, sự ra đời của Nghị định 15 chính là dấu chấm hết cho "con đường gian khổ" của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp với Nghị định 38, đưa công tác quản lý của nhà nước về an toàn thực phầm là một chuyển biến cách mạng của ngành y tế. Trong khi thừa nhận Nghị định 15 thực sự là cuộc cách mạng trong tư duy quản lý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long  cho rằng Nghị định 15 ra đời thể hiện sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. “Với sự ra đời của Nghị định 15, câu “chuyện giấy phép con”  trong lĩnh vực y tế sẽ chấm dứt, sẽ không còn tình trạng 1 chiếc bánh cõng 13 chiếc giấy phép con như trước đó”, Thứ trưởng Long khẳng định.

 

Nghị định 15 cũng đạt một bước tiến  dài trong việc rạch ròi trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ ngành và phân cấp cho địa phương. Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Nghị định đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Riêng với một số doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý.

 

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, Chính phủ giao Bộ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý quy định tại Điều 64 Luật An toàn thực phẩm và các nhóm sản phẩm trong Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Bên cạnh đó Bộ Công Thương sẽ quản lý an toàn thực phẩm đối với siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối và các loại hình kinh doanh khác.

 

Bộ Công Thương cũng được giao việc tổ chức cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức cấp, phân cấp việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng; kết luận cuối cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm giữa các cơ sở kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang