Thứ Ba, 23/04/2024 18:44:36 GMT+7

Tin đăng lúc 20-03-2019

Lượt xem: 2658

Tuyên Quang: Phấn đấu chỉ số PCI tăng thêm từ 6 đến 10 bậc

Tuyên Quang đang tập trung các giải pháp, phấn đấu tăng thêm từ 6 đến 10 bậc trên bảng xếp hạng PCI năm 2019.
Tuyên Quang: Phấn đấu chỉ số PCI tăng thêm từ 6 đến 10 bậc
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cùng Tập đoàn FLC khảo sát khu vực cầu Tình Húc, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện cắt giảm trên 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

 

Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 01 cửa, 01 cửa liên thông được các đơn vị đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn tại cơ quan hành chính các cấp được nâng lên, môi trường kinh doanh được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 đứng thứ 5 khu vực miền núi phía Bắc và đứng thứ 39 cả nước.

 

Trong năm 2018, tỉnh đã mời gọi, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng đến khảu sát lập quy hoạch chi tiết tại tỉnh như: Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam…. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 2.464,5 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp có đến thời điểm 31/12/2018 là 1.518 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 14.825,71 tỷ đồng.

 

Theo kế hoạch năm 2019, định hướng đến năm 2021, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung vào việc cải thiện các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để năm 2019 tăng thêm từ 6 đến 10 bậc trên bảng xếp hạng, phấn đấu nằm trong danh sách 30 tỉnh, thành phố top đầu trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.

 

Tuyên Quang cũng phấn đấu hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 1.700 doanh nghiệp và đến năm 2021 sẽ có 2.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động…  Tỉnh Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu thực hiện cung cấp 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; tiếp tục nâng cao tỷ lệ giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp…

 

Theo ông Trần Ngọc Thực – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, mỗi ngành, cơ quan hành chính đều phải đặt ra nhiệm vụ cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh; cập nhật liên tục, đầy đủ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện kịp thời, bảo đảm sự chỉ đạo của Chính phủ được thực thi hiệu quả, thiết thực.

 

Để thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 27-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các kế hoạch của tỉnh đã ban hành để thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh; chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, nhất là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm…  Đồng thời, định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin, xử lý phản ánh của doanh nghiệp thông qua đường dây nóng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh...

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang