Thứ Sáu, 29/03/2024 20:49:44 GMT+7

Tin đăng lúc 18-06-2017

Lượt xem: 2328

Uniqlo gia nhập thị trường Việt, “thời trang mỳ ăn liền” lên ngôi?

Zara, H&M và nay đến Uniqlo là những “ông lớn” trong phân khúc thời trang hàng hiệu bình dân dự kiến sẽ gây ra nhiều “sóng gió” cho thời trang trong nước. Tiếp bước Zara và H&M mở cửa hàng tại Việt Nam, hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đang ráo riết tuyển dụng người để chuẩn bị đổ bộ thị trường được cho còn nhiều tiềm năng này.
Uniqlo gia nhập thị trường Việt, “thời trang mỳ ăn liền” lên ngôi?
Uniqlo được cho là sẽ ra mắt tại Việt Nam vào mùa thu tới.

“Cuộc đổ bộ” của nhiều ông lớn

 

Sự kiện tuyển dụng của Uniqlo 2 tuần trước gây chú ý lớn trên thị trường. Thời trang Việt lại “đón tín hiệu” một cái tên lớn từ Nhật Bản đổ bộ.

 

Theo một số nguồn tin, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo mở ở Việt Nam sẽ đặt tại TP.HCM vào mùa thu này. Hiện đơn vị đang trong quá trình chuẩn bị về nhân sự và cơ sở hạ tầng.

 

Uniqlo là công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày của Nhật Bản, vốn được tập đoàn Fast Retailing Co. mua lại từ năm 2005. Ra đời từ năm 1949, thương hiệu này nổi tiếng với phong cách thời trang đơn giản, dễ ứng dụng. Tuy không thực sự nổi bật tại thị trường Âu Mỹ nhưng Uniqlo vẫn là cái tên được mến mộ ở nhiều nước châu Á. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của Uniqlo được xách tay và bán rộng rãi tại Việt Nam. Uniqlo hiện có tên trong nhóm hạng nhất của sàn chứng khoán Tokyo.

 

Người tiêu dùng tìm đến Uniqlo để có được sản phẩm mà họ mặc hàng ngày, dưới rất nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Chính vì vậy từ những ngôi sao cho đến người tiêu dùng bình thường, Uniqlo luôn có vị trí nhất định trong ưu tiên mua sắm của họ.

 

Trước đó, tháng 9/2016, Zara cũng đã mở cửa hàng tại TP.HCM, đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Hãng thời trang đến từ Tây Ban Nha cũng chính thức bán hàng online tại Việt Nam từ ngày 5/4 và đang xúc tiến mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội.

 

Gần đây nhất, ngày 7/6, đại diện H&M thông báo chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng tọa lạc tại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), sát vách với Zara. Theo đại diện H&M tại Việt Nam, cửa hàng đầu tiên có diện tích khoảng 2.200 m2, không gian trải dài trên 2 tầng của trung tâm thương mại.

 

 

5 thị trường tiềm năng nhất mà H&M muốn chủ lực "tấn công" trong 2017 này là Kazakhstan, Colombia, Iceland, Georgia và Việt Nam.

 

H&M tuyên bố sẽ giới thiệu nhiều loại thời trang có xu hướng mới nhất và giá cả phải chăng. Khách hàng cũng sẽ có cơ hội mua được những sản phẩm có giá tốt, chất lượng cao tại cửa hàng đầu tiên này.

 

Đến thời của “thời trang mỳ ăn liền”? 

 

Có thể nói, sự ra nhập thị trường của hàng loạt tên tuổi thời trang quốc tế cho thấy các doanh nghiệp thời trang lớn của thế giới đang bắt đầu đưa thị trường Việt Nam vào tầm ngắm. Mà đặc biệt là các hãng thời trang theo xu hướng “fast fashion” hay gọi cách khác là “thời trang mỳ ăn liền”.

 

Trước tiên, cần hiểu về “fast fashion”, khác với các hãng thời trang thông thường chỉ giới thiệu một hoặc hai bộ sưu tập một năm. Những thương hiệu "fast fashion" thường tập trung kiếm lợi qua hàng loạt các bộ sưu tập ngắn hạn và thường được bán hết rất nhanh.

 

Một số thương hiệu "fast fashion" nổi tiếng có thể kể đến là Zara, H&M hay Topshop, Uniqlo, Gap, Primark, Abercrombie & Fitch. 

 

Trong đó, ví dụ điển hình về thời gian ra mắt các bộ sưu tập là Zara, trong khi các đối thủ thường cần đến cả năm để tung ra thị trường một bộ sưu tập mới thì các hãng thời trang mỳ ăn liền như Zara có thể làm điều tương tự chỉ trong 2 tuần, 1 năm Zara có thể cho ra 10,000 thiết kế mới. Trong khi đó, Topshop và H&M thậm chí còn ra mắt bộ sưu tập theo mùa của họ tại các tuần lễ thời trang danh tiếng cùng lúc với các thương hiệu xa xỉ.

 

Theo thống kê của Forbes thì Zara cũng là thương hiệu thành công nhất với mức tăng trưởng 8%, đạt doanh thu 19,7 tỷ USD trong năm 2014. Tiếp theo đó là các hãng Uniqlo, Gap, Primark, Abercrombie & Fitch hay Mango.

 

Đặc biệt, các hãng “thời trang mỳ ăn liền” nói trên đều có đặc điểm chung là tốc độ thành lập cửa hàng chi nhánh nhanh chóng, tạo độ phủ sóng rộng. Cả H&M, Zara và Uniqlo là ba thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ lớn nhất thế giới với hơn 1.000 cửa hàng của mỗi thương hiệu trên khắp toàn cầu.

 

Cụ thể, Uniqlo hiện có 1.318 cửa hàng. Trong đó, 836 cửa hàng tại Nhật, 416 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, 39 cửa hàng tại Mỹ và 27 cửa hàng tại châu Âu. Đặc biệt, cứ mỗi tuần trôi qua lại có thêm một cửa hàng mới của Uniqlo được khai trương ở nơi nào đó trên thế giới.

 

Trong khi đó, Zara có khoảng 2.100 cửa hàng tại 88 nước. Thương hiệu này còn thường chọn những vị trí đắc địa để mở cửa hàng. 

 

Nội bật nhất là H&M với hơn 4.300 cửa hiệu tại 66 quốc gia, bao gồm cả những thị trường nhượng quyền, với số lượng nhân viên đang làm việc trên 161.000 người. 

 

 

H&M chọn cách thâm nhập sâu rộng thị trường bằng cả những sản phẩm bình dân giá rẻ và kết hợp với các nhà thiết kế tên tuổi tạo BST đẳng cấp

 

Có thể thấy, sự gia tăng chóng mặt các cửa hàng của thương hiệu kể trên báo hiệu một “làn sóng” mạnh mẽ vào nền thời trang trong nước. Ngoài vấn đề độ phủ sóng, ba thương hiệu này đều là các hãng gắn bó với những mẫu thời trang bình dân, cơ bản.

 

Uniqlo chú trọng đến công nghệ và đầu tư một tầm nhìn mang dài hạn vì tin tưởng rằng khách hàng họ nhắm tới là những người quan tâm đến chất lượng và giá trị hơn là những thiết kế hợp thời. Hãng tìm kiếm những phong cách không nhanh chóng mất đi, phân loại chúng và thiết lập chuỗi cung ứng để đưa tất cả đến với khách hàng. UNIQLO – MADE FOR ALL là vì thế.

 

Còn Zara lại chọn cách phản ứng nhanh chóng theo những xu hướng khách hàng, nhiệm vụ quan trọng nhất của hang là đánh giá xu hướng và lập tức đuổi bám.

 

Trong khi đó, H&M là sự kết hợp của hai hãng kể trên nghiên cứu và dự đoán xu hướng trung hạn, hãng chú trọng tới sản phẩm bình dân, giá rẻ và cho ra đời cả những bộ sưu tập kết hợp với các nhà thiết kế tên tuổi thể hiện đẳng cấp. 

 

 “Trong môi trường bán lẻ thời trang cạnh tranh quyết liệt trên toàn thế giới, không biết cách tiếp cận như thế nào nhưng điều quan trọng nhất vẫn là biết khách hàng nghĩ gì, muốn gì trước khi tạo ra sản phẩm” – điều này đúng cho cả Uniqlo, Zara và H&M. 

 

 

Xếp hàng chờ thử đồ tại Zara TP.HCM cho thấy sự ưa chuộng của người dùng Việt với thương hiệu này.

 

Việc xác định được đối tượng khách hàng cụ thể và có chiến lược tiếp cận, theo đuổi đã giúp ba thương hiệu đình đám này thành công vang dội tại nhiều thị trường. Và khi ra nhập thị trường 90 triệu dân với mức thu nhập ngày càng được cải thiện này, dự kiến cuộc đổ bộ này diễn ra nhanh chóng và rộng khắp bởi vốn dĩ các hãng này đã được người dùng Việt ưa chuộng đặt mua qua các kênh online hoặc hang xách tay với chi phí lớn. Nay cắt giảm được phần chi phí này chắc chắn sẽ kích cầu được người dùng.

 

Điều này dẫn đến các thương hiệu thời trang trong nước chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt. Nó cũng đặt ra yêu cầu với thời trang Việt Nam phải không ngừng cải tiến chất lượng và mẫu mã nếu không muốn “thua” ngay trên sân nhà và để thị phần rơi vào tay đối thủ ngoại. 

 

Nguồn Enternews.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang