Thứ Năm, 28/03/2024 21:10:40 GMT+7

Tin đăng lúc 24-04-2023

Lượt xem: 645

Vĩnh Long: Tăng cường hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư, đưa vào sử dụng những máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Vĩnh Long: Tăng cường hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn
Nghiệm thu đề án ứng dụng máy móc tại HTX Thuận Thới

Theo Sở Công Thương tỉnh, năm 2022 chương trình khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia đã hỗ trợ cho các cơ sở CNNT, DN, HTX trên địa bàn toàn tỉnh một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất.

 

Điển hình, tại cơ sở sản xuất cốm Xuân Phượng - cơ sở có sản phẩm cốm là một trong 19 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh - được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Long (TTKC) hỗ trợ đầu tư thêm máy đóng gói cốm tự động để cải tiến mẫu mã đẹp mắt hơn, đồng đều, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, rút ngắn thời gian so với đóng gói thủ công, qua đó, giúp tăng năng suất, giảm nhân công. Bên cạnh việc đổi cách thức sản xuất, cơ sở còn không ngừng nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, Nhờ vậy, hiện nay, sản phẩm cốm gạo Xuân Phượng ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng nhiều hơn.

 

Hay tại HTX sầu riêng Chánh An, cơ sở đã được TTKC hỗ trợ kinh phí triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trái cây chiên chân không”, với nguồn kinh phí được hỗ trợ, HTX đã đầu tư thiết bị chiên chân không để sản xuất các loại trái cây sấy với năng suất 50kg nguyên liệu/lần. Theo đại diện HTX, việc đầu tư máy móc đã giúp thành phẩm tạo ra giòn, giữ được màu và hương vị tự nhiên; giá trị dinh dưỡng trong trái cây tươi không bị biến đổi, sản phẩm tạo ra có chất lượng cao so với chiên thông thường. Bên cạnh đó, đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất trái cây sấy đã giúp HTX tạo ra sản phẩm chất lượng, giảm chi phí nhân công, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, giải quyết nguồn nguyên liệu sẵn có, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX, đồng thời, góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

 

Còn đối với HTX Thuận Thới, HTX đã được TTKC triển khai hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, bao gồm 2 hệ thống là: Hệ thống thủy phân dịch trùn quế và Hệ thống máy ép viên phân trùn quế, đây là hệ thống có bộ phận đánh tơi phân trước khi ép sợi, giúp giảm thời gian và nhân công, sản phẩm đầu ra đều và đẹp, có độ ẩm dưới 30%. Ở độ ẩm này sẽ là giai đoạn phân chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất, nên thường sẽ được sử dụng ngay để cây trồng phát triển một cách tốt nhất; sản phẩm đầu ra hoàn toàn sạch có thể sử dụng ngay mà không cần phải xử lý gì thêm; không cần ủ hoai mục như phân chuồng.

 

Theo đại diện HTX Thuận Thới chia sẻ, việc hỗ trợ đầu tư máy móc vào sản xuất phân hữu cơ tại HTX Thuận Thới đã giúp cho HTX đa dạng được sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, từng bước mở rộng thị trường. Đồng thời, việcp phân bón được sản xuất bằng máy móc hiện đại, khép kín cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động trực tiếp sản xuất.

 

Là đơn vị được hưởng lợi từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai đã được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất tự động từ nguyên liệu ra viên kẹo thành phẩm gồm: 01 máy cán, cắt kẹo gạo lứt tự động và 01 máy đóng gói tự động. Việc ứng dụng máy móc thiết bị tự động sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giữ ổn định chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

 

Với mục tiêu hiện đại hóa CNNT, hỗ trợ các sản phẩm CNNT vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu, năm 2023, TTKC Vĩnh Long tiếp tục thực hiện chương trình, đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại… tạo dấu ấn cho sản vật Vĩnh Long.

 

Vừa qua, Sở Công Thương Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025".  Mục đích của đề án là hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu giúp nâng cao mức độ nhận biết của khách hàng, tăng cường độ trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, tạo sự khác biệt với sản phẩm khác, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

Có thể thấy, nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT rất nhiều từ việc đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hoá chi phí cho đến xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm,… Việc tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT từ nguồn kinh phí này trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT trong việc mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm… qua đó, không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ngày càng phát triển, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thu Hằng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang