Thứ Sáu, 29/03/2024 07:53:25 GMT+7

Tin đăng lúc 22-12-2019

Lượt xem: 3996

VICEM Hoàng Thạch: Bảo vệ môi trường là nền tảng cho sự phát triển

Trong những năm gần đây, “sản xuất xanh” đang trở thành một xu thế mới của các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch (VICEM Hoàng Thạch) cũng không nằm ngoài quy luật đó.
VICEM Hoàng Thạch: Bảo vệ môi trường là nền tảng cho sự phát triển
Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh phát biểu tại hội nghị Tổng kết 2018 của VICEM Hoàng Thạch.

Xác định rõ hoạt động sản xuất kinh doanh phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người lao động, VICEM Hoàng Thạch đã có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu, nhằm giải bài toán khó vốn đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam.

 

Tối ưu hóa sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường

 

Năm 2018, VICEM Hoàng Thạch có bước đột phá lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 4,83 triệu tấn (tăng 3,2% so với 2017) và doanh thu đạt 4.614 tỷ đồng. Đó là kết quả của hàng loạt những biện pháp tăng cường, siết chặt quản lý, giải quyết các nút thắt công nghệ, tăng năng suất thiết bị, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải ra môi trường… VICEM Hoàng Thạch nhận thức một cách rõ ràng rằng, chỉ khi giải quyết được bài toán khó về tiết kiệm năng lượng, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có được nền tảng vững chắc để phát triển, mở rộng.

 

Ông Lê Thành Long - Tổng Giám đốc VICEM Hoàng Thạch cho biết: “Những hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực giúp việc sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng thuận lợi, phát triển. Với những cố gắng trong bảo vệ môi trường, VICEM Hoàng Thạch đã được Hội Kinh tế môi trường Việt Nam trao tặng danh hiệu top 10 “Môi trường xanh quốc gia” và top 20 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2017. VICEM Hoàng Thạch cũng là một thương hiệu xanh của ngành Xi măng Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

 

 

Khuôn viên đầy cây xanh và thảm cỏ trong nhà máy sản xuất của VICEM Hoàng Thạch.

 

Trong định hướng chung “Phát triển bền vững và sản xuất xanh” của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, các đơn vị thành viên như VICEM Hoàng Thạch đang nỗ lực cải tạo cảnh quan, môi trường và hoạt động sản xuất bằng nhiều biện pháp. Hiện tại, toàn Công ty đã phủ xanh được 15.254,7 m2 thảm cỏ, nhiều khu vực đang tiếp tục trồng mới cây xanh, chậu hoa, thảm cỏ. VICEM Hoàng Thạch cũng áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007. Các chương trình hành động bảo vệ môi trường khác luôn được chú trọng như: Cải tiến hệ thống lọc bụi, xử lý nước thải sinh hoạt, vận hành hiệu quả hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015…

 

Mặt khác, Công ty cũng thường xuyên duy trì hoạt động 03 xe hút bụi, 03 xe phun nước trên các tuyến đường để giảm bụi khói, duy trì đội vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, đảm bảo khuôn viên nhà xưởng luôn sạch đẹp. VICEM Hoàng Thạch có những quy định khá nghiêm khắc về việc quản lý phân vùng vệ sinh. Đơn cử như việc đơn vị nào gây phát sinh chất thải thì phải chịu trách nhiệm dọn dẹp, trả lại mặt bằng nguyên trạng, đảm bảo nguyên tắc giảm phát thải từ đầu nguồn.

 

Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng An toàn môi trường của VICEM Hoàng Thạch cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi luôn đảm bảo các chỉ số về khí thải, bụi thải hay xử lý chất thải nguy hại nằm trong quy chuẩn cho phép. Kết quả đó đến từ nỗ lựctuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động cũng như việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất”.

 

Những ý tưởng mới trong sản xuất xanh

 

Mới đây, hồi đầu tháng 11/2019, VICEM Hoàng Thạch đã trình UBND tỉnh Hải Dương văn bản đề nghị cho phép được nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng bùn từ ao hồ và các nhà máy nước, tro xỉ cùng một số chất thải rắn khác làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế một phần nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng. Bước đầu kết quả cho thấy, các mẫu bùn lấy từ Hồ Tây, sông Tô Lịch (Hà Nội), kênh Nhiêu Lộc (TPHCM) và hệ thống xử lý nước thải ở Hải Dương, sau khi tách nước, phối trộn thì cho ra thành phần tương đồng với sét tự nhiên, một thành phần trong sản xuất xi măng.

 

Đây được coi là nỗ lực đáng khen ngợi của VICEM Hoàng Thạch nói riêng và các đơn vị trực thuộc VICEM nói chung trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu đầu vào như than, dầu mỏ đang suy giảm và ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. VICEM Hoàng Thạch ý thức rõ rằng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là hướng đi mới, nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Dễ thấy rằng, khó khăn lớn nhất chính là chi phí đầu tư dây chuyền tái tạo năng lượng. Theo ước tính, phải chi đến hàng chục triệu USD để xây dựng được một trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa phục vụ ngược trở lại nhu cầu điện năng của nhà máy sản xuất xi măng.

 

 

Toàn cảnh Nhà máy Xi măng VICEM Hoàng Thạch. 

 

Trước đó, vào tháng 9/2019, VICEM Hoàng Thạch đưa vào vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động với tổng mức đầu tư 26,3 tỷ đồng. Công ty đã mời đơn vị độc lập có đủ năng lực để thực hiện giám sát môi trường định kỳ 02 lần/năm, riêng khí thải giám sát 04 lần/năm. Quá trình thực hiện quan trắc này đều có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương. Các thiết bị đo tự động đều được nhập khẩu chính hãng từ Anh, Đức, Nhật Bản, Italy... Hệ thống đo bụi tự động và camera giám sát sẽ giúp quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường các điểm nóng có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2019, VICEM Hoàng Thạch sản xuất 1,34 triệu tấn Clinker và 1,48 triệu tấn xi măng, bằng 103% so với cùng kỳ 2018; doanh thu ước đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2018, lợi nhuận đạt 242 tỷ đồng, tăng 2,5%; nộp ngân sách Nhà nước 119 tỷ đồng.

 

 

 

 

 

 

Phương Uyên


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang