Thứ Năm, 18/04/2024 10:38:15 GMT+7

Tin đăng lúc 09-10-2015

Lượt xem: 3351

Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP

Chiều 9/10/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau sự kiện Việt Nam cùng 11 nước tham gia đàm phán vừa đạt được thỏa thuận, công bố hoàn tất đàm phán hôm 5/10 tại Atlanta, Hoa Kỳ.
Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh công bố với báo giới về Hiệp định TPP

Tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về Hội nhập kinh tế thương mại quốc tế - đã thông báo tới các cơ quan thông tấn về toàn bộ quá trình/tình hình đàm phán, các nội dung đàm phán quan trọng và những tác động của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam.

 

Các điểm chung mấu chốt

 

Về nguyên tắc chung, TPP sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.

 

Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này, về dài hạn sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các DN tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo đó, các DN sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

 

Về mua sắm của các cơ quan Chính phủ, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Về cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP. TPP không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương và cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm phục vụ an ninh - quốc phòng.

 

Đối với khối DN Nhà nước, các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

 

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

 

Những lợi ích kinh tế

 

TPP đề cập đến những tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường lao động… không chỉ giảm thuế quan thông thường, TPP có mức giảm rất sâu, gần như bằng 0, là cơ hội cũng như thách thức đối với các nước thành viên tham gia TPP.

 

Đối với xuất khẩu, riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, ngoài việc có lợi về kinh tế, TPP còn có thể tạo ra nhiều việc làm mới trong dệt may. Đó là chưa kể, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu.

 

Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.

 

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

 

Hiện một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới, nhiều nhất là Hoa Kỳ đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường các nước thành viên. Trước mắt, các DN VN có thể tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada v..v. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Những điểm DN cần lưu ý

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặc biệt lưu ý đến những thách thức đối với các DN Việt Nam. Cụ thể, về thương mại hàng hóa, các DN cần lưu ý với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

 

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

 

Một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe máy phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

 

“Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, ta sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ ... để sản phẩm nông nghiệp của ta đủ sức đứng vững trên sân nhà. Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ta cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Đàm phán TPP đã được đoàn đàm phán tính toán kỹ dựa trên những thuận lợi và không thuận lợi, thời cơ và thách thức, năng lực trong nước và quốc tế trong đàm phán để đảm bảo nếu ký kết sẽ đem lại lợi ích quốc gia cao nhất; tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước TPP rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán; dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10/2015; dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định; ký kết Hiệp định; thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước.

 

Do một số thủ tục pháp lý khác, Hiệp định TPP có thể được thông qua tại Quốc hội của các nước trong khoảng thời gian từ 18 – 24 tháng. Dự kiến trong khoảng thời gian từ tháng 1 – tháng 6/2018, TPP sẽ chính thức sẽ có hiệu lực.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang