Thứ Sáu, 29/03/2024 21:57:18 GMT+7

Tin đăng lúc 27-05-2017

Lượt xem: 4422

Việt Nam đón “bão” hàng hóa từ Hàn Quốc

Việc Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) bắt đầu có hiệu lực đang gây ra nhiều áp lực khi thị trường Việt Nam cho thấy sự yếu thế hơn về khả năng cạnh tranh, khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc mất cân bằng ngày càng lớn.
Việt Nam đón “bão” hàng hóa từ Hàn Quốc
Nông sản Hàn Quốc tràn vào gây sức ép lớn cho nông sản Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đạt trên 18,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 13,7 tỷ USD (tăng trưởng kỷ lục 43,5% so với cùng kỳ năm 2016), trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 4,4 tỷ USD (tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Với mức nhập siêu bốn tháng đầu năm 2017 lên tới 9,3 tỷ USD (tăng 5,4 tỷ USD so với mức 3,9 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2017), Hàn Quốc chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường có mức nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

 

Sức ép với nông sản nội

 

Thương mại hai chiều Việt – Hàn đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt kể từ sau khi VKFTA có hiệu lực (ngày 20/12/2015). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc chưa được như kỳ vọng, nhiều mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam vẫn gặp nhiều “rào cản” tại thị trường này, trong khi hàng hóa Hàn Quốc, nhất là nông sản, có xu hướng tăng tại thị trường Việt Nam đang gây áp lực không nhỏ cho nông sản trong nước.

 

Ông Nguyễn Khắc Huy – Giám đốc công ty Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết: “Hàn Quốc mới chỉ “mở cửa” cho xoài và thanh long của Việt Nam. Song chỉ có thanh long xuất khẩu gặp thuận lợi, còn xoài đang gặp khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Philippines. Thuế nhập khẩu ở mức cao khoảng 28% cũng khiến sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam suy giảm”.

 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho hay, Hàn Quốc là thị trường rất khó tính, hàng rào kỹ thuật cao tương đương với Nhật Bản nhưng giá trị thấp hơn. Hàn Quốc quy định gắt gao về vùng trồng phải đạt chuẩn GAP, được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số quản lý, trái cây phải xử lý qua nhiệt hơi nước… Bên cạnh đó, khâu quảng bá trái cây Việt Nam tại đây cũng gặp nhiều khó khăn do những rào cản về tài chính, chi phí quá cao.

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam chia sẻ: “Các sản phẩm cà phê, tiêu Việt Nam khó tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc bởi thị trường này quy định rất cao các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản, khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh”.

 

Vì vậy, các mặt hàng nông sản như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… từ Việt Nam cũng đang gặp khó bởi những quy định gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của phía Hàn Quốc.

 

Trong khi xuất khẩu đang bị “thắt cổ chai” thì ở chiều ngược lại, hàng hóa Hàn Quốc đang không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam. Thống kê quý I/2017 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 22,1 triệu USD (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016), trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc dù chỉ đạt 3,8 triệu USD nhưng tốc độ tăng trưởng tới 80% (so với cùng kỳ năm 2016).

 

Mặt hàng rau quả vẫn xuất siêu lớn, song thống kê cho thấy Hàn Quốc đang tăng cường xuất khẩu rau củ sang Việt Nam. Đến nay, đã có bốn loại trái cây Hàn Quốc được cấp phép nhập khẩu là lê, táo, nho và dâu tây. Nước này cũng đang xúc tiến để sớm xuất khẩu chính ngạch năm loại quả khác là hồng, dưa vàng, quýt, đào và ớt sang Việt Nam.

 

Ts. Vũ Thành Tự Anh – chuyên gia kinh tế, phân tích: “Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước yếu dẫn tới nhập siêu gia tăng mỗi khi có FTA với các thị trường được thông qua. Không chỉ với Hàn Quốc, nhập siêu cũng đang gia tăng từ Thái Lan, Malaysia… khi FTA với ASEAN có hiệu lực. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp cải thiện năng lực cốt lõi của nền kinh tế”.

 

Cân bằng cán cân thương mại

 

Thực tế, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ trước khi VKFTA có hiệu lực. Cụ thể, năm 2008, nhập siêu từ Hàn Quốc đạt khoảng 6,27 tỷ USD, con số này tăng lên 8,46 tỷ USD trong năm 2011 và tăng vọt lên mức 20,6 tỷ USD trong năm 2016.

 

Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh từ Hàn Quốc chủ yếu là nhóm nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,7 tỷ USD năm 2016); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (5,8 tỷ USD năm 2016); điện thoại các loại và linh kiện (3,6 tỷ USD năm 2016)…

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu để phục vụ sản xuất, gia công và xuất khẩu. Vì vậy, nhập siêu từ Hàn Quốc chưa phải là điều gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội để cân bằng cán cân thương mại, sẽ là bất lợi và thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước.

 

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se hồi tháng 3/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng chủ động đề nghị phía Hàn Quốc áp dụng những giải pháp từng bước cân bằng cán cân thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.

 

Trước mắt, để rút ngắn khoảng cách, giảm nhập siêu với Hàn Quốc, Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam như trái cây, rau củ… bằng cách nâng cao chất lượng, tìm cách tháo gỡ những khó khăn về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

 

Về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần những giải pháp căn cơ về tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Chỉ khi nào các doanh nghiệp trong nước không còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khi đó cán cân thương mại với các quốc gia mới đảm bảo cân bằng.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang