Thứ Bẩy, 20/04/2024 16:30:33 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2017

Lượt xem: 3456

Việt Nam đón đầu cơ hội trước Hiệp định CPTPP

Việt Nam được xem là nghèo nhất và kém cạnh tranh nhất trong 11 quốc gia của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việt Nam đón đầu cơ hội trước Hiệp định CPTPP
Ảnh minh họa

Mặc dù Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), song trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng của 11 thành viên TPP còn lại đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho TPP- 11 với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Theo đánh giá, Việt Nam vẫn sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi. Song, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn.

 

 Rõ ràng là không thể có lợi như là có Hoa Kỳ ở đấy, nhưng vẫn có lợi về thị trường. Chúng ta vẫn có thể gia nhập vào các thị trường, ví dụ thị trường Nhật Bản – là đối tác thứ 5 về thương mại và đối tác thứ 3 về đầu tư, rõ ràng là lớn. Hay như thị trường Australia thì chúng ta vẫn có thể xâm nhập, đặc biệt là những mặt hàng nông sản của chúng ta có thể xâm nhập vào những thị trường đó.

 

Không chỉ mở rộng được thị trường xuất khẩu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương cũng là một hiệp định có những điều kiện tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật.

 

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào hiệp định này cũng sẽ tạo được sự cạnh tranh trong một nhà nước pháp quyền với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, qua đó, sẽ mang lại động lực tích cực để phát triển.

 

Danh mục các nước tạm thời đóng băng là rất ít, chỉ có 20, so với danh mục ban đầu khoảng trên dưới 50. Như vậy, tính chất lượng cao – đặc trưng ấy của Hiệp định CPTPP sẽ được đảm bảo và điều đó rất gắn với cải cách thể chế, cải cách những chính sách điều tiết sau đường biên giới và chính điều đó mới là cái quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển, thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng và hơn nữa nó gắn với phát triển có tính bao trùm, TS. Thành phân tích.

 

Theo ước tính, nếu như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương bao phủ 40% GDP thế giới, 30% thương mại toàn cầu thì Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương chỉ có độ bao phủ là 14% GDP thế giới và 1/6 thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù độ bao phủ thấp hơn nhưng những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trước Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương vẫn nguyên vẹn như đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

 

Ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển Tổng công ty 28 cho rằng, thách thức thứ nhất là khi thuế giảm, để được hưởng những ưu đãi đó thì hàng hóa của các nước khác trong khối cũng sẽ tràn vào Việt Nam tạo ra một sự cạnh tranh chính trên sân nhà, tạo ra sự cạnh tranh rất là lớn trên thị trường Việt Nam, làm miếng bánh đã nhỏ rồi nay lại thêm nhỏ.

 

Bên cạnh đó, theo ông Cần, lao động, đầu tư chuyển vào Việt Nam thì giao thương mở rộng hơn, hợp tác hơn thì việc thu hút, giữ chân chính sách đối với người lao động cũng khó khăn.

 

Được đánh giá là hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất, thỏa thuận thương mại cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước hiệp định này, bởi đây là động lực, cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, sánh vai với bạn bè quốc tế, kết nối mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

 

Để tận dụng được những cơ hội Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mang lại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin.

 

Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp, ông Hiếu nêu ý kiến.

 

Dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có một số điểm khác với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như sẽ trì hoãn 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, 4 điểm được để riêng các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam được xem là quốc gia nghèo nhất và có nhiều điểm kém cạnh tranh nhất trong 11 quốc gia của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu như Việt Nam không có những thay đổi kịp thời thì những kỳ vọng cho tăng trưởng của Việt Nam trước hiệp định này sẽ đi ngược lại./.

 

Nguồn Vov.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang