Thứ Sáu, 19/04/2024 08:35:18 GMT+7

Tin đăng lúc 22-09-2020

Lượt xem: 984

Việt Nam sắp có vắc xin phòng, chống COVID-19 của Nga, Mỹ, Anh

Bộ Y tế đã đặt mua vắc xin -19 của Nga, Mỹ, Anh. Việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.
Việt Nam sắp có vắc xin phòng, chống COVID-19 của Nga, Mỹ, Anh
Vắc xin của Mỹ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện Bộ Y tế đang nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vắc xin trên thế giới để mua và sản xuất vắc xin COVID-19.

 

Việt Nam cũng đang tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 để phục vụ người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại nước ta, bao gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen, đều có những tín hiệu khả quan.

 

Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Bristol của Anh nghiên cứu sản xuất vắc xin theo công nghệ vector vi rút. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vắc xin lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vắc xin ngừa Covid-19.

 

Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) cũng đang phối hợp với Tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắc xin trên cơ sở quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia. IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn để hợp tác sản xuất vắc xin cúm đại dịch.

 

Hai đơn vị còn lại là Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược (Nanogen) cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19, bước đầu cho kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, các đơn vị nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại nước ta đang có nhiều triển vọng rất tích cực. Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có vắc xin phòng, chống COVID-19.

 

Trên thế giới hiện có 30 quốc gia tham gia cuộc đua nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc đang là những quốc gia dẫn đầu trong sản xuất vắc xin COVID-19.

 

Vắc xin của Anh được phát triển bởi hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford, tên gọi ChAdOx1. Trong thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, nhà sản xuất không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, AstraZeneca đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Châu Âu (EC) để cung cấp tới 400 triệu liều vắc xin AZD1222 COVID-19. Nhóm phát triển cho biết tổng năng lực sản xuất là 2 tỷ liều.

 

Dựa trên thỏa thuận hiện có với Liên minh Vắc xin Toàn diện của Châu Âu do Đức, Pháp, Ý và Hà Lan đứng đầu, thỏa thuận mới này sẽ cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên EU tùy chọn tiếp cận vắc xin một cách bình đẳng mà không có lợi nhuận trong thời gian xảy ra đại dịch. Nó cũng cho phép các nước thành viên EU chuyển hướng liều sang các nước châu Âu khác.

 

Vắc xin của Nga là Sputnik V, do Viện nghiên cứu Gamaleya, trực thuộc Bộ Y tế Nga điều chế. Hồi tháng 8, Tổng thống Vladimir V. Putin phê duyệt khẩn cấp đối với sản phẩm, trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đầu tháng 9, các nhà khoa học đã công bố dữ liệu của đợt tiêm chủng diện rộng, cho thấy vắc xin an toàn tạo phản ứng miễn dịch.

 

Giới chức Nga cho biết nước này đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 từ hơn 20 quốc gia, trong đó các nước Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đặc biệt quan tâm tới vắc xin này. Vắc xin COVID-19 của Nga dự kiến không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất từ 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ nếu có. Giới chức Nga cho biết nước này có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vắc xin Sputnik V trong 12 tháng tới.

 

Vắc xin của Mỹ được sản xuất bởi hãng dược Pfizer, công ty Fosun Pharma và BioNTech. Các chuyên gia đã điều chế sản phẩm bằng công nghệ di truyền. Đây là cách làm mới, dựa trên RNA thông tin (vật chất di truyền). Vắc xin sử dụng chính tế bào người. Các RNA có vai trò "hướng dẫn" cơ thể tạo ra protein gai giống với virus.

 

Nếu hiệu quả, vắc xin kích hoạt hệ miễn dịch sinh kháng thể. Trong báo cáo mới nhất, hãng cho biết các tình nguyện viên không gặp tác dụng phụ đáng kể. Người đứng đầu các đơn vị phát triển khẳng định rằng họ sẽ không lược bỏ bất cứ giai đoạn nào trong việc theo dõi nhanh sự phát triển của vắc xin.

 

Bộ Y tế Việt Nam đánh giá sản xuất vắc xin đang là ưu tiên của tất cả quốc gia, với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế COVID-19 và đưa cuộc sống trở về bình thường. Nếu không có vắc xin thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu.

 

Trong một phát biểu gần đây, Trưởng nhóm khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán sẽ không có đủ vắc xin COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường cho đến năm 2022.

 

Theo bà Swaminathan, sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ chế tổng hợp nguồn lực để cung cấp khả năng tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19công bằng cho các quốc gia có mức thu nhập khác nhau, sẽ chỉ có thể nhận được khoảng hàng trăm triệu liều vắc xin vào giữa năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nước trong số 170 quốc gia hoặc nền kinh tế tham gia COVAX “sẽ đều có vắc xin”.

 

Tuy nhiên, số lượng vắc xin là quá ít để có thể thay đổi việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho đến khi số lượng vắc xin nhiều hơn và đạt mục tiêu 2 tỷ liều vào cuối năm 2021. “Cách mà mọi người đang hình dung là vào tháng 1/2021, vắc xin sẽ có đủ trên toàn thế giới và cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Nhưng đó không phải là cách mọi thứ đang diễn ra”, bà Swaminathan nhấn mạnh.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang