Thứ Sáu, 29/03/2024 21:55:50 GMT+7

Tin đăng lúc 09-09-2018

Lượt xem: 1428

Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong tương lai của ASEAN

"Việt Nam cần đầu tư hơn vào công nghệ để thúc đẩy sự “trỗi dậy” của khu vực dịch vụ với vai trò là cỗ máy tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong tương lai".
Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong tương lai của ASEAN
Những chính sách hướng tới mục tiêu đạt được sự bình đẳng cho phụ nữ có thể tạo ra thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP mỗi năm của châu Á.

Đó là nhận định của ông Hoe Ee Khor - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng ABN AMRO và nhiều tổ chức quốc tế trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội.

 

Mô hình kinh doanh công bằng hơn

 

Theo OXFAM, từ một khu vực bị chia rẽ bởi các quan điểm chính trị khác nhau, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị với sự tham gia của cả 10 quốc gia trong khu vực. ASEAN được xem là một cộng đồng phồn vinh với các thành viên phát triển nhanh chóng, được ví như những “con rồng”, “con hổ” kinh tế của khu vực.

 

Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Quốc gia của OXFAM tại Việt Nam, trên toàn cầu số nam giới sở hữu bất động sản, cổ phiếu và các loại hình tài sản khác nhiều hơn số nữ giới. Tại cùng một vị trí, nam giới được trả lương cao hơn phụ nữ, và phần lớn các công việc được trả lương cao hơn là do nam giới nắm giữ. Tuy nhiên, trong khu vực doanh nghiệp xã hội, Đông Nam Á đang dẫn đầu trong việc hướng tới bình đẳng trong thu nhập và dành cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ tốt.Bước sang giai đoạn mới, khu vực Đông Nam Á được WEF đánh giá có tiềm năng chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ các sáng kiến thúc đẩy xã hội và môi trường bền vững trong nông nghiệp và may mặc của Campuchia, doanh nghiệp hoạt động với cộng đồng nghèo tại Thái Lan và Lào đến những doanh nghiệp xã hội nói chung với một loạt các mô hình kinh doanh công bằng hơn đang nổi lên.

 

Trong một nghiên cứu của mình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng nếu mức độ tham gia của nữ lao động tăng từ 57,7% lên 66,2% thì kinh tế châu Á có thể gia tăng thu nhập bình quân đầu người tới 30% chỉ trong một thế hệ. Theo ADB, việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh công bằng hơn có thể giúp mở ra tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho một xã hội công bằng hơn.

 

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách công, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã và đang tiến hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xã hội lớn mạnh, từ đó tạo dựng những nền kinh tế vững mạnh. Các quốc gia trong khu vực đều có những chính sách ưu đãi chung cho việc phát triển các doanh nghiệp xã hội. Có thể kể đến cụ thể như Singapore phát triển hỗ trợ, tư vấn trong khi Thái Lan đưa ra quy hoạch tổng thể, thậm chí miễn thuế đối với một số doanh nghiệp xã hội và Malaysia thành lập quỹ cung cấp tài chính. Tuy vậy, các mô hình kinh doanh như trên chủ yếu vẫn được coi là các ngoại lệ thay vì là quy định. Các doanh nghiệp xã hội thường hoạt động ở quy mô nhỏ, ít có đòn bẩy ảnh hưởng.

 

Cùng quan điểm với OXFAM, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa những đánh giá khá tích cực về  kinh tế của ASEAN trong tương lai. Theo ADB, mức tăng trưởng của khu vực đã tăng lên mức 5,2% trong năm 2017, cao hơn năm trước đó 0,5 điểm phần trăm. Theo ADB, điều này đạt được do sự chuyển hướng linh động trong xuất khẩu cũng như thị trường nội khối năng động và có sức mua tốt. Mặc dù xuất khẩu bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố nhưng nhu cầu nội khối tăng đã bù đắp cho thị trường xuất khẩu.

 

8/10 nền kinh tế của ASEAN được dự báo đạt và vượt mức năm 2017. Malaysia và Singapore có thể là 2 ngoại lệ. ADB cho rằng hai nền kinh tế này sẽ rơi vào“quãng nghỉ” sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong năm ngoái. Indonesia, Philippines và Thái Lan sẽ tăng tốc nhờ đầu tư mạnh mẽ và tiêu thụ trong nước tốt. Việt Nam cùng được trông đợi hưởng lợi từ việc tiếp tục mở rộng phát triển các cơ sở công nghiệp. Về lạm phát, ADB tin rằng sẽ ổn định ở mức 3% trong năm nay và năm tới. Lý do là ngoài thị trường nội khối ổn định, giá cả tăng có thể do tăng lương tối thiểu và giá dầu thế giới.

 

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong liên kết kinh tế ASEAN

 

Là một quốc gia có dân số lớn thứ 3 và diện tích lớn thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa kinh tế quan trọng, và là một hình mẫu của phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong khu vực, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực. 

 

Theo ông Hoe Ee Khor - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ngân hàng ABN AMRO, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2017 và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực với tăng trưởng GDP tăng mạnh ở mức mạnh trong năm 2018.

 

Thời gian qua, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN+3 (10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã theo đuổi chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”. Chiến lược này giúp các nền kinh tế hưởng lợi từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng đến xuất khẩu để phát triển năng lực sản xuất. Cùng với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút vốn FDI để xây dựng khu vực sản xuất cạnh tranh, giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.

 

Ông Hoe Ee Khor cho rằng, Việt Nam cần tăng cường kết nối và hội nhập khu vực, qua đó, hưởng lợi từ tăng trưởng nhu cầu nội khối đối với hàng hóa, dịch vụ và củng cố tăng trưởng bền vững chống lại các cú sốc bên ngoài.

 

Việt Nam có nguồn lực dồi dào và kinh tế đa dạng, đây chính là sức mạnh để phát triển kinh tế. Theo vị Chuyên gia kinh tế trưởng này, Việt Nam cần cải thiện kết nối khu vực thông qua tăng cường đầu tư vào cơ sử hạ tầng cùng với các chính sách thúc đẩy thương mại, cũng như chú trọng đến chính sách phát triển ngành nghề dịch vụ và nguồn nhân lực, bao gồm tự do hóa khu vực dịch vụ và tăng cường nhân lực trong khu vực. Đồng thời, để tạo ra cơ hội mới đối với chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”, Việt Nam cần đầu tư hơn vào công nghệ để thúc đẩy sự “trỗi dậy” của khu vực dịch vụ với vai trò là cỗ máy tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong tương lai.

 

Theo Enternews

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang