Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:45:59 GMT+7

Tin đăng lúc 24-04-2020

Lượt xem: 1587

Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang duy trì và phát triển 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các làng nghề đang dần bị mai một, mất dần chỗ đứng trên thị trường.
Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên)

Một trong những làng nghề truyền thống lâu đời tại tỉnh là làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên) nổi tiếng ở miền Bắc. Tuy vậy, những năm gần đây, số lượng nghệ nhân trong làng ngày một ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng hạn chế đã tác động không nhỏ đến việc duy trì sự phát triển của làng gốm Hương Canh.

 

Không chỉ dừng lại đó, nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Nghề chế tác đá Hải Lựu (Sông Lô); rắn Vĩnh Sơn, rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường); hay nghề mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên), Minh Tân (Yên Lạc), Bích Chu, Thủ Độ (Vĩnh Tường) cũng đang đứng trước những khó khăn. Đó là thiếu nguồn nguyên liệu; thiếu nhân lực có kỹ thuật, tay nghề cao; thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và hơn cả là thiếu sự tâm huyết với nghề.

 

Trước thực tế đó, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực, nhằm khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện trên 34,6 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm TTCN, làng nghề truyền thống…

 

Thời gian tới, nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại hoặc sản xuất theo chuỗi tiện ích, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện việc xây dựng thương hiệu, khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động khuyến công theo hướng đổi mới công tác hỗ trợ về đào tạo, truyền nghề; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.

 

Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời nắm bắt, tiếp cận được nguồn vốn ưu, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước; quan tâm nhiều hơn nữa tới các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, từ đó góp phần thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

 

Bích Hân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang