Thứ Năm, 25/04/2024 12:12:13 GMT+7

Tin đăng lúc 18-04-2017

Lượt xem: 2739

Vĩnh Phúc: Để chính sách khuyến công tiếp cận hơn các đơn vị kinh doanh

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm, từ đó tạo điều kiện giúp các đơn vị này tiếp cận tối đa nguồn vốn, cũng như chính sách khuyến công. Việc làm này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Vĩnh Phúc: Để chính sách khuyến công tiếp cận hơn các đơn vị kinh doanh
Cơ sở sản xuất hương xuất khẩu tại huyện Yên Lạc

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa các doanh nghiệp, cơ sở CNNT vào nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ và thực hiện nhiều chương trình, nội dung hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở. Trong đó, hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bảo vệ môi trường là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt động khuyến công được nhiều huyện thị quan tâm thực hiện. Tính riêng năm 2016, TTKC đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 19/23 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, đạt 86% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút kinh phí đầu tư mua máy móc thiết bị của 19 cơ sở, doanh nghiệp là hơn 12 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 1 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại quy trình công nghệ lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh kém, sản phẩm chưa phong phú về chủng loại, giá trị hàng hóa thấp... Bên cạnh đó, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lao động chưa qua đào tạo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các đơn vị. Ngoài ra, công tác tuyên truyền chính sách chưa được sâu rộng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn có tâm lý ngại tiếp cận nguồn kinh phí do sợ thủ tục rườm rà... Nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng hết được nhu cầu thực tế, trong khi đó, các đề án nhỏ, lẻ phân bố rải rác khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách do không biết quy trình thủ tục hồ sơ, xét duyệt, quyết toán; đặc biệt, nhiều đơn vị đã đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất nhưng chưa tiếp cận được nguồn kinh phí khuyến công.

 

Trước tình hình đó, TTKC đã có nhiều biện pháp để khắc phục những khó khăn cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh như: Tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ảnh hưởng của chương trình khuyến công trong phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc tư vấn đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

 

Trao đổi với PV, ông Phạm Việt Anh – Trưởng phòng Công nghệ thông tin TTKC cho biết: “Thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ tăng cường củng cố bộ máy quản lý công nghiệp nông thôn các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến công viên cấp huyện và xã, phường, thị trấn thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, cung cấp thông tin để nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chương trình khuyến công, nhất là đưa các chính sách, nguồn kinh phí khuyến công đến gần hơn các cơ sở, doanh nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh”.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang