Thứ Năm, 28/03/2024 18:27:37 GMT+7

Tin đăng lúc 03-05-2018

Lượt xem: 5379

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ làng nghề phát triển

Là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, Vĩnh Phúc cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của địa phương. Để duy trì và phát triển các làng nghề, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực để người dân địa phương không ngừng tìm tòi, sáng tạo, chủ động nắm bắt nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, cho ra đời những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vĩnh Phúc: Hỗ trợ làng nghề phát triển
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Triệu Đề

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 8 làng nghề mới hoạt động với các nghề chủ yếu như: Mộc, mây tre đan, rèn kim khí, gốm, nuôi và chế biến rắn... Trong những năm qua, nhờ chính sách khuyến khích và hỗ trợ của tỉnh, trong đó có khuyến công, các làng nghề đã tích cực đổi mới công nghệ, tập trung vào sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm. Một số làng nghề truyền thống đã và đang phát triển như: Đá Hải Lựu (Sông Lô); đan lát Triệu Đề (Lập Thạch); mộc Vĩnh Đoài (Yên Lạc)… giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

 

 

Nhiều hộ sản xuất tại làng nghề thị trấn Yên Lạc đầu tư máy máy móc hiện đại sản xuất đồ gỗ cho hiệu quả kinh tế cao

 

Một trong những làng nghề có sự phát triển rõ rệt nhất cả về quy mô và chất lượng đó là những làng nghề mộc tại thị trấn Yên Lạc. Đây là địa phương đi đầu trong phát triển sản xuất mộc, với 23 doanh nghiệp và gần 900 hộ làm nghề. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, thôn Vĩnh Đoài (thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Trong những năm qua, để duy trì và phát triển làng nghề như hiện nay, chúng tôi luôn chú trọng đến việc đổi mới mẫu mã sao cho phù hợp với xu thế hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá cả phải cạnh tranh nhất. Để làm được điều đó, từ khâu chọn nguyên liệu đến sản xuất, chúng tôi rất cẩn trọng, đồng thời, chuyên môn hóa sản xuất, phát huy thế mạnh của từng gia đình... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều của chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến công trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề thông qua các Hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại... Nhờ vậy, làng nghề mộc thị trấn Yên Lạc ngày càng được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng ổn định hơn”.

 

 

Trong một xưởng sản xuất mộc

 

Mặc dù nhiều sản phẩm của các làng nghề đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước, tuy nhiên hiện nay, quy mô của một số cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu ở dạng hộ gia đình, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới, năng lực trình độ tổ chức quản lý và vốn còn hạn chế, chưa có sự liên kết bền vững. Thêm vào đó, phần lớn lao động tại các làng nghề chưa qua đào tạo bài bản, ít được tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, vì vậy, chất lượng và thương hiệu của sản phẩm chưa được chú trọng; thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

 

Để từng bước giải quyết khó khăn cho các làng nghề, đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển làng nghề, gợi ý những giải pháp để mở rộng thị trường… cùng với đó, mở các lớp đào tạo nghề; tổ chức các hội thi tay nghề thợ giỏi, khuyến khích người dân làng nghề phát huy tài năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang