Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:14:51 GMT+7

Tin đăng lúc 08-05-2017

Lượt xem: 4284

Vĩnh Phúc: Mọi người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng

Đó là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc từ nay đến năm 2020 được nêu ra tại Hội nghị đánh giá công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội vừa được tổ chức vào ngày 5/5.
Vĩnh Phúc: Mọi người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng
Giai đoạn 1997- 2016, tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đạt 15,3%/năm (Ảnh Internet)

Tăng trưởng trên 15%/năm

 

Nhớ lại thời điểm tái lập tỉnh cách đây tròn 20 năm (1997- 2017), ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đây là thời điểm tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ chỉ là con số 0; cơ sở hạ tầng yếu kém, thu ngân sách thấp và phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Hạ tầng kinh tế- xã hội yếu kém, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…

 

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển du lịch và dịch vụ là mũi nhọn và coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Nhờ đó, sau 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ về kinh tế và văn hóa, xã hội.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm giai đoạn 1997- 2016 luôn đạt 15,3%, trong đó ngành công nghiệp xây dựng tăng bình quân 23,9%/năm, đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh vào năm 2016 tăng gấp 40 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, từ 2,18 triệu đồng/người/năm 1997 đã lên tới 72,3 triệu đồng/người/năm 2016.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thủy sản. Hiện cơ cấu kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc với công nghiệp- xây dựng chiếm 61,91%; Dịch vụ 27,75% và nông lâm nghiệp thủy sản là 10,35%.

 

Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, năm 1997 thu ngân sách mới đạt 114 tỷ đồng, sau 5 năm 5 đến 2002, thu ngân sách đã đạt trên 1.000 tỷ đồng và đến năm 2004 tỉnh đã tự cân đối được ngân sách, có đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách tỉnh đã vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng và đến năm 2014 vượt 20.000 tỷ đồng. Năm 2016, trong bối cảnh nhiều địa phương thu ngân sách khó khăn, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,58 ngàn tỷ đồng, gấp 285 lần so với năm 1997. Trong đó, thu nội địa đạt 29,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 2 miền Bắc sau Thủ đô Hà Nội.

 

Không để ai bị bỏ lại phía sau

 

Mặc dù tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh rất cao, nhưng ông Lê Duy Thành cho rằng, 80% người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn sống bằng những đàn gà, mảnh vườn, thửa ruộng riêng của họ, những người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng kinh tế địa phương. Đó là điều mà lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, đồng thời là lý do, những năm qua và thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, để tất cả những người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội đều được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

 

 

Để phát triển bền vững, Vĩnh Phúc chú trọng thu hút DN có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (Ảnh Internet)

 

Từ quan điểm đó, ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho công tác an sinh xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, xóa đói giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, đầu tư hạ tầng cho khu vực nông thôn. Tổng mức chi phí dành cho đối tượng chính sách, người có công của tỉnh trong giai đoạn 1997- 2017 đã lên tới 530 tỷ đồng.

 

Những năm đầu tái lập, 80% dân số Vĩnh Phúc sống nhờ vào nông nghiệp, do đó đây cũng là đối tượng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Để thuận lợi hơn cho người dân phát triển nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng kết cấu cơ sở phục vụ phát triển nông thôn như kênh mương, tưới tiêu, trạm bơm, và các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nông thôn. Vĩnh Phúc cũng là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới được thay đổi nhanh chóng và tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 89/112 xã (đạt 79,5%) hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hai huyện Yên Lạc và Bình Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vĩnh Phúc cũng là địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh thành về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”.

 

Để giúp người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ y tế, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hơn 600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế cho người nghèo. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng được quan tâm. Thông qua những chính sách thiết thực, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh được ổn định và ngày càng phát triển.

 

Ông Lê Duy Thành khẳng định, chính sách an sinh xã hội sẽ vẫn và sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Với mong muốn, không một người dân nào đứng bên lề của tăng trưởng kinh tế.

 

Mục tiêu cuối cùng là ổn định cuộc sống người dân

 

Ông Lê Duy Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ nay đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế địa phương. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2017- 2020 phấn đấu đạt 7-7,5%/ năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 công nghiệp xây dựng chiếm 61,5%; dịch vụ 31,4%; nông lâm nghiệp thủy sản 7,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/ năm.

 

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định đội ngũ doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng. Do đó, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ DN. Bởi DN không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn tạo công ăn việc làm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội cho người dân địa phương.

 

Nhằm tạo điều kiện cho khu vực DN phát triển, bên cạnh việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhằm thu hút được những dự án trong và ngoài nước có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thu hút những dự án lớn của các đối tác có uy tín, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tỉnh cũng tăng cường công tác đối thoại giữa chính quyền địa phương các cấp với DN trên địa bàn, duy trì hoạt động “cà phê doanh nghiệp”. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Ông Lê Duy Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Để mọi người dân trên địa bàn tỉnh đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế theo hướng bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang