Thứ Sáu, 26/04/2024 05:51:50 GMT+7

Tin đăng lúc 23-06-2016

Lượt xem: 2664

Vĩnh Phúc: Tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 31 cụm công nghiệp và có từ 40-45 làng nghề đạt tiêu chuẩn, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn để thu hút, vận động các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp.
Vĩnh Phúc:   Tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển
Tại Vĩnh Phúc, công tác truyền nghề, đào tạo nghề luôn được chú trọng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.300 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, chạm khắc đá, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản,... tạo việc làm cho từ 55.000 - 60.000 lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tồn tại ở đây là phần lớn các cơ sở sản xuất thường có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, máy móc thiết bị còn lạc hậu, thiếu thông tin về thị trường.

 

Để giải quyết những khó khăn và thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển đúng hướng, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành và thực hiện một số chính sách khuyến khích đầu ra cho sản phẩm, chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề; gắn công tác khuyến công, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp, làng nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các làng, xã có nghề truyền thống, thực hiện nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ... Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt coi trọng công tác đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề. Công tác đào tạo, truyền nghề luôn được gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của từng địa phương và doanh nghiệp; được tổ chức theo hình thức đào tạo tại chỗ, truyền nghề lấy thực hành là chính. Lao động qua đào tạo nghề được giải quyết việc làm ổn định tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.

 

Trong giai đoạn 2011- 2015, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (Trung tâm) đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 86 lớp đào tạo các nghề thêu ren, đính cườm, mây tre đan, móc sợi, may công nghiệp, nghề mộc, chế biến chè... cho gần 3.500 lao động. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ cho 100 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng số kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng, thu hút được khoảng 36 tỷ đồng đầu tư từ các cơ sở công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 1.700 lao động tại các cơ sở với mức thu nhập bình quân từ 4 -6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai nhiều nội dung, hoạt động: Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý; khôi phục làng nghề; thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tham gia hộ chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và thực hiện quy hoạch phát triển cụm công nghiệp... với tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 12 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp.

 

Trong giai đoạn tới, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn để thu hút, vận động, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất và đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ về chính sách thuế, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại theo hướng xuất khẩu. Thực hiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, truyền nghề, nhân cấy nghề; đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cho các hoạt động sản xuất và quản lý trong các ngành nghề.

 

Thành Công


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang