Thứ Năm, 28/03/2024 19:55:07 GMT+7

Tin đăng lúc 20-07-2022

Lượt xem: 1629

Vĩnh Phúc: Tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây là hướng đi quan trọng nhằm tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp (CN) của tỉnh phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc: Tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ
Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam (KCN Bình Xuyên) là DN cấp 1 của Tập đoàn Samsung

 

Với vị trí là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, ngành CNHT cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở ra nhiều tiềm năng về phát triển CNHT tại đây.

 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ lĩnh vực CN điện tử, CNHT điện tử của tỉnh ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 14%; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12%; nộp ngân sách nhà nước hơn 1.130 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Đây cũng là lĩnh vực thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các DN FDI trong KCN, tăng hơn 8.400 lao động so với thời điểm tháng 12/2021. Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 240 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT hoặc có liên quan đến CNHT, chiếm 60% tổng số dự án CN đầu tư trong các KCN.

 

Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đầu tư gần 100 tỷ đồng để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình phát triển CNHT. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định, phát triển CNHT gắn với DN nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển ngành CN của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển CNHT, trọng tâm là thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

 

Đơn cử như Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) là DN DDI tiêu biểu của tỉnh chuyên sản xuất hàng phụ trợ phục vụ ngành CN ô tô, xe máy có doanh thu hằng năm lên tới 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

 

Bà Đặng Thị Đối, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cosmos cho biết: “Hơn 15 năm gắn bó và đầu tư tại Vĩnh Phúc, mục tiêu của Công ty là trở thành nhà cung cấp linh kiện sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí hàng đầu Việt Nam, là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy”.

 

 

 

Công ty TNHH công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) tích cực cải tiến máy móc, công nghệ hiện đại

 

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại của Nhật Bản và Đài Loan như máy dập 25 – 300 tấn, máy hàn robot YR500S, máy cắt laser… Trong công đoạn sản xuất, Công ty trang bị cho nhân viên các thiết bị đo lường hiện đại của Đức, Nhật Bản như máy đo 3 chiều, máy thử nghiệm vạn năng, máy đo lực, máy đo đường kính trong… để nhân viên có thể tự đo lường, đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay trong công đoạn sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nhiều thương hiệu lớn như Honda, Toyota, Yamaha, Ghoshi, Panasonic…

 

Vĩnh Phúc đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, ngành CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Theo đó, đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có trên 50 DN có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung cấp một phần cho DN, tập đoàn kinh tế lớn, hoặc xuất khẩu; 10 DN trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào thị trường quốc tế; liên kết xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến DN trong và ngoài nước.

 

Nhằm thúc đẩy ngành CNHT tại địa phương phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động. Trong đó, với Quyết định 23/2019/QĐ-UBND, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách, như: Hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực DN CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT… Bên cạnh các cơ chế, chính sách từ Trung ương, tỉnh cũng đã và đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy CNHT phát triển.

 

Bởi vậy, nhiều DN đã tận dụng tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành CN chủ lực của địa phương phát triển, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang