Thứ Năm, 28/03/2024 16:18:58 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2022

Lượt xem: 1188

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy ngành Công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phát triển

Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (CNHT) có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới xuất khẩu. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, UBND tỉnh đã và đang ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển.
Vĩnh Phúc: Thúc đẩy ngành Công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phát triển
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện – Điện tử Mê Trần (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Những năm qua, ngành CNHT luôn được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng và trở thành trụ cột chính của nền công nghiệp. Điều này tiếp tục được thể hiện rõ nét khi mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, nổi bật là hướng tới đưa ngành CNHT của tỉnh trở thành mắt xích quan trọng, cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Thông qua định hướng đúng đắn nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực mở cửa đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được gần 200 DN sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện và tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động. Các DN CNHT đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm: Sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; Cơ khí chế tạo; Sản xuất lắp ráp điện, điện tử; Công nghiệp dệt may, da giày; Sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các DN FDI rất hạn chế; Sản xuất công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp…

 

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển một mạng lưới cụm liên kết ngành hữu hiệu sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề KT-XH khác. Do vậy, cùng với việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics tổ chức lễ khởi động chương trình hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh tại Vĩnh Phúc.

 

Theo đó, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH Samsung Electronics đã lựa chọn 02 DN gồm: Công ty TNHH DM VINA tại KCN Bình Xuyên II (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử) và Công ty TNHH ACCURACY (chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ trợ cho xe máy, ô tô và máy nông nghiệp) ký kết thỏa thuận hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh với tất cả các công đoạn sản xuất thông minh dựa trên việc mô phỏng trong không gian ảo từ khâu thiết kế, sản xuất, tự động nhận đơn hàng và tạo đơn hàng căn cứ theo tình hình thực tế.

 

Cụ thể, từ ngày 4/5 – 31/12/2022, hai DN này sẽ được các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng, phát triển nhà máy thông minh nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Sự hợp tác này sẽ là tiền đề để tăng cường kết nối giữa các DN CNHT trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nhiều nhà máy thông minh tại địa phương.

 

Thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường thông thoáng cho chuyển giao công nghệ trên cơ sở hợp tác sản xuất giữa các DN FDI với DN sản xuất trong nước về công nghệ, quản lý, ứng dụng, kinh nghiệm sản xuất,… Từ đó, tạo hiệu ứng lan toả công nghệ, kỹ năng trong phát triển ngành điện tử công nghệ cao và thiết bị điện; Hình thành một cụm ngành công nghiệp để ưu tiên thu hút các DN nội địa chuyên sản xuất sản phẩm CNHT đáp ứng cho các ngành có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận; Tận dụng tối đa lợi thế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cho các DN sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện...

 

Mặt khác, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều thị trường, trong đó mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước G7 để chủ động thu hút đầu tư những dự án CNHT công nghệ cao, công nghệ mới, dịch vụ hiện đại, có hiệu ứng lan tỏa cao trong nền kinh tế. Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ thu hút đầu tư và phát triển một số sản phẩm CNHT công nghệ vật liệu; Bộ điều khiển; Thiết kế vi mạch phục vụ cho lĩnh vực điện tử; Các chất hoạt động bề mặt; Chất phụ gia; Lĩnh vực thiết bị chuyên dụng; Phần mềm và dịch vụ phục vụ công nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ một số DN sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang