Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:32:07 GMT+7

Tin đăng lúc 26-08-2016

Lượt xem: 19953

Xã Đèo Gia (Lục Ngạn- Bắc Giang): Vẫn chưa có chợ

Chợ là nơi vốn được coi như một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân, đồng thời trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều nơi chợ xây rồi phá đi, xây chợ mới, nhiều nơi chợ xây xong rồi “đắp chiếu”bỏ đấy, vắng tanh như chùa bà đanh. Ấy vậy mà xã vùng cao Đèo Gia, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa có nổi một chợ.
Xã Đèo Gia (Lục Ngạn- Bắc Giang): Vẫn chưa có chợ
Ảnh minh họa

Cách đây 4 năm vào tháng 7/2012, tôi có may mắn được đi dự một Hội thảo lớn về chợ. Hội thảo “Mô hình tổ chức quản lý chợ truyền thống trong đô thị ở Việt Nam” do Tạp chí Công nghiệp phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tổ chức HealthBridge (Canada) tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, nhằm đánh giá vai trò giá trị, ý nghĩa to lớn của chợ dân sinh, với mục đích chủ yếu là làm rõ xung quanh vấn đề có nên phá các chợ cũ, chợ truyền thống để xây các siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng mua sắm tiện ích? Các chợ Mơ (Hà Nội), chợ An Đông, chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh)… được đưa vao tầm ngắm và đến nay, chợ Mơ đã đi vào hoạt động với một bộ mặt hoàn toàn mới. Những nơi này, chợ cũ phá đi để xây thành chợ mới. Sau này, tôi được đi nhiều nơi, có nơi chợ đúng là sầm uất, tấp nập, nhưng cũng có nơi chợ xây xong rồi “đắp chiếu” bỏ đấy, vắng tanh không người mua kẻ bán, người dân không thiết tha gì đi mua bán ở chợ mới xây mà đi chợ cũ, vì gần nơi họ sống có quá nhiều chợ. Song trái ngược với cảnh “chán chợ” của dân thành phố, thì có một nơi bà con lại khát khao có một cái chợ để đi mua bán mà không được. Đó là người dân ở xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

 

Xã Đèo Gia là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang, có diện tích 4.414,5 hec ta, 1.015 hộ với dân số là 4.888 người, sinh sống ở 7 thôn xóm là: Cống Luộc, Đèo Gia, Xạ Nhỏ, Xạ To, Thung, Ruồng, Đồng Bụt.

 

Từ bao năm nay, người dân xã Đèo Gia muốn mua bán gì thường phải đi mua nhờ ở các chợ bên các xã lân cận như: Chợ Lim, chợ Chũ, Chợ Kép, chợ Biển Động (Lục Ngạn), hay Phú Nhuận, có chợ cách trung tâm xã Đèo Gia 5 km, chợ xa hơn 20 km. Cứ 5 ngày chợ mới có một phiên, người dân phải mua thực phẩm về để dự trữ vì không phải phiên chợ nào cũng đi được. Những ngày thường không có chợ, bà con ra quán để mua thực phẩm, nhưng các mặt hàng cũng không được đa dạng, chủ yếu là thịt lợn. Nhiều nhà không có tủ lạnh để bảo quản, họ đành phải mua cá khô, lạc, hoặc những đồ khô khác làm thực phẩm để dự trữ qua ngày. Muốn ăn con tôm, con cá tươi những ngày thường thì phải gọi là hàng hiếm. Chính vì vậy, sức khỏe của người dân không có đủ các dưỡng chất.

 

Ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Đèo Gia cho biết: Chính quyền và bà con trong xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã làm được 10/19 tiêu chí. Một trong 19 tiêu chí của chương trình này là chợ. Các nơi khác vấn đề này họ chẳng phải bận tâm vì chợ đã là truyền thống, là những cái thiết yếu đã có, nhưng với xã Đèo Gia thì chưa dám đăng ký tiêu chí này vì thấy nó xa vời quá!

 

Cụ bà Lương Thị Xuân 72 tuổi, thôn Xạ Nhỏ, xã Đèo Gia chia sẻ: Tôi năm nay cũng già rồi. Trước đây còn trẻ, còn đi chợ xa được để mua quà bánh, thực phẩm cho con cháu. Nhưng nay già yếu, muốn đi chợ thì xa quá, nhờ con cháu thì lại thương chúng nó vì phải qua sông qua đò, chở bà già này thì khổ. Nhưng mà lâu rồi không đi chợ, nhớ lắm. Chỉ mong quê mình có cái chợ cho con cháu nó đi lại mua bán đỡ khổ thôi.

 

Người ta thường nói có giao thương kinh tế mới phát triển được. Đèo Gia không có chợ, mọi hoạt động buôn bán trao đổi với các vùng miền khác hầu như không có. Người dân, ngoài làm nông nghiệp ra hầu như không biết đến kinh doanh buôn bán là gì? Phải chăng vì như vậy mà kinh tế của Đèo Gia cũng không phát triển được. Theo Báo cáo tình hình thực hiện KT – XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của UBND xã Đèo Gia thì hiện nay toàn xã vẫn còn gần 60% hộ thuộc diện nghèo. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10 triệu/người/năm. Đèo Gia là một xã nghèo được hỗ trợ của Chính phủ.

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng – Bộ Xây Dựng: Trong quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ, chợ là một trong năm loại hình dịch vụ quan trọng (4 loại khác là: Giáo dục, y tế, thể dục thể thao và văn hóa). Chợ là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Nơi thể hiện bộ mặt và trình độ phát triển của cả vùng miền. Khách phương xa đến thường ghé chợ tham quan, mua sắm và ít nhiều biết được nơi đó phát triển ra sao. Bên cạnh việc trao đổi mua bán thông thường, chợ vốn được coi như một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân, là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè…, chợ còn là một nét văn hóa mà người ta thường gọi là “Văn hóa kẻ chợ”. Nét văn hóa này mang trong mình biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa cũ xưa, dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ tươi tắn bởi sự sôi động, ồn ào, đồng thời trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Ấy vậy mà xã vùng cao Đèo Gia vẫn chưa có nổi một chợ. Người dân xã Đèo Gia rất mong Nhà nước, hoặc chính quyền các cấp quan tâm quy hoạch xây dựng cho xã một cái chợ để bà con sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển kinh tế địa phương. Đó mới là những cái thiết thực nhất mà nhân dân Đèo Gia đang rất cần.

 

Chung Hương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang